Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

THƯ GỞI KIM LOAN - Khiêm tốn và thành thật (12)



12.
KHIÊM TỐN VÀ THÀNH THẬT

Kim Loan con thân mến,
Trong bức tranh hí họa mà ba rất thích, người ta vẽ một anh chàng lẩm cẩm đang đứng trú mưa. Mưa thật nặng hột đã làm ướt cả mũ anh đội, nước chảy thành giọt. Anh bị mưa vì đứng chờ một người bạn lỡ hẹn. Người bạn đó hẹn gặp anh ở đầu phố để mượn tiền. Anh đem tiền đi cho mượn mà không gặp. Trong lúc bị mưa lạnh như thế, anh chàng chỉ nói cho thêm kiên nhẫn “Nếu nó không tới trong vòng giờ nữa, thì chắc là nó có thể mượn tiền được ở nơi khác rồi. Thôi ta cố gắng chờ!”
Người ta thường mô tả khiêm tốn là như thế. Nhưng khiêm tốn đích thực, không có nghĩa là khúm núm trước mặt người khác hoặc dìm đời mình xuống.
Một người bạn của ba dùng một câu thật chính xác để diễn tả sự khiêm tốn đích thực. Khi nào ông bị cuộc đời, xã hội, hoặc hoàn cảnh “dìm” ông xuống, ông luôn vui cười nói: “Tâm hồn tôi đã nhu mì rồi !”
Ba đã dự nhiều cuộc tranh luận dài dòng, đã học nhiều bài giảng trong sách, đã nghiên cứu nhiều học giả giải thích ý nghĩa lời nói của Đức Chúa Giê-su “Phước cho những kẻ nhu mì !” Ba nhận thấy những lời giải thích của họ thật khác nhau: từ những câu nói đơn sơ như anh chàng lẩm cẩm trên, cho đến những lời biện thuyết hùng hồn nghe thật kêu.
Tìm lại ý nghĩa đầu tiên của chữ đó, ba có cảm tưởng: Nhu mì là đương đầu với sự khác biệt giữa lý tưởng ta muốn có và hiện tại của ta đang sống.
Những người tốt nhứt mà ba quen đều có dư loại khiêm tốn như vậy. Đối với những đôi hôn nhân hạnh phúc nhứt cũng thế nữa. Đời sống chung của chúng con sẽ được lợi rất nhiều nếu chúng con có thể nói: “Phước cho các đôi vợ chồng khiêm tốn và thành thật, vì họ sẽ tiến cao hơn trên đường tình yêu!”
Nếu chúng con sống theo “các phước lành” đó, chúng con sẽ gặp được những điều hay. Chúng con sẽ có can đảm để phân tách nhau, chúng con sẽ tỏ ra duyên dáng hơn khi xin lỗi nhau, sẽ kiên nhẫn giữ gìn miệng lưỡi hơn khi cần, sẽ khéo léo đưa nhau soi mình trong gương – đó là một số những điều hay chúng con sẽ được, nếu chúng con giữ được khiêm tốn và thành thật trong nhà chúng con.
Bây giờ hãy thử nhìn qua hai tật xấu thường lai vãng đến cửa nhà chúng con. Hai tật xấu đó sẽ không làm nên trò trống gì được, nếu chúng con vẫn “nhu mì” đối với nhau
“MIỆNG BÉP XÉP” là tật xấu thứ nhất. Người ta thường nói: Tiểu nhân hay nói về người khác, người thường hay nói về trời đất, còn vĩ nhân hay nói về những tư tưởng cao thượng.
Dĩ nhiên cũng có những lúc đề tài nói chuyện của con phải hướng về người này, người khác, hoặc về trời, đất, tùy như sự việc xảy ra. Nhưng con phải lo làm sao cho câu chuyện của con đừng thổi bụi và bùn vào các tư tưởng trong tâm hồn con.
Cũng có lúc phải nhận xét, phán đoán và lên án. Nếu đó là nhiệm vụ , con cứ kiểm điểm và phê bình. Nhưng đa số những nhiệm vụ đó không phải ở trong nhà.
Người ta có thể tranh luận không cùng về ý tưởng này: Đàn ông hay đàn bà có lỗi nhiều hơn. Đa số đàn ông như ba sẽ phải làm sổ kiểm điểm lại điều này.
Nhưng phần chúng con, chúng con có thể dự liệu một vài cách trước đi. Chúng con hãy dùng miệng lưỡi để nói chuyện xây dựng hơn là chuyện đả phá.
Một bà chuyên chơi bài nói với ba một nhận xét thật hay. Bà nói: “Trong đám chị em chơi bài với nhau, không ai lấy tiền của nhau, không ai lấy đồ vật của nhau. Thế nhưng chúng tôi lại mắc phải một tập quán xấu này, là làm mất tiếng tốt của nhau một cách hoàn toàn vô ý thức”.
Một người có tâm hồn thật cao thượng đã dám nói lên sự thật đó. Tất cả họ đều là những người có tư cách. Họ hiểu vấn đề và muốn giải quyết. Để sửa sai, họ đặt trong khung kính và treo lên chỗ cao để mọi người có thể đọc được câu sau đây:
“Tôi quyết định không nói gì về chị em bạn, trừ khi tôi có thể nói hay cho họ. Như thế có đẹp không?”
Theo họ cho biết, câu nói đó có sức tác động lạ lùng, dường như đã tạo nên tinh thần mới trong nhóm chị em bạn. Phải chi ai trong gia đình cũng làm như vậy, thì đã có được một máy lọc không khí đáng giá, để có không khí dể thở trong gia đình.
Khiêm tốn và thành thật rất khó mà đem ra thực hành, một phần vì người ta thích xoi bói người khác từng li từng tí mà không chịu quét sạch than và tro bụi nơi mình.
Nếu con cứ sống cố chấp, con sẽ không bao giờ tới được mức độ trưởng thành. Nếu con lần từng bước thang xuống coi người khác thấp hèn tới đâu, chính con cũng thấp hèn như họ. Còn nếu con hướng lên những ưu điểm của họ, thì chính con cũng được thăng tiến. Đây là một định luật tổng quát không thể nào khác được.
Nếu chúng con giữ thái độ “họ cũng khá nhưng không bằng chúng tôi”, có thể lúc nào đó chúng con sẽ làm bẩn luôn chiếc cầu thông cảm và làm cho cả hai đều chán ngán.
“Than thân trách phận”.
Đó là lời than phiền ba thường nghe nhiều nhất trong phong làm việc của ba. Không hiểu tại sao các ông lại than phiền với ba nhiều hơn các bà. Tuy thế ba cũng không dám chắc là các bà than phiền ít hơn các ông. Dầu sao có một điều ba chắc chắn, cách thức độc nhất mà con có thể làm cho chàng yêu con mãi mãi, chính là tránh đừng có kể lể than thân trách phận bất cứ là cách nào.
Những ai mắc phải tánh này hơi nhiều, hãy trở về dĩ vãng để tìm cho ra nguyên nhân tâm tính xét nét đó. Nguyên nhân thường gặp như là tánh cầu toàn. Nếu người ta giáo dục một đứa trẻ lớn lên với ý tưởng “làm gì cũng toàn hảo” mới được, chắc là đứa trẻ đó ưa phê bình, chỉ trích. Một đứa trẻ được huấn luyện chỉ nguyên với những tiêu chuẩn mẫu mực đi ngược lại với tánh tự nhiên của con người, tất nhiên nó sẽ bất mãn với mọi sự và mọi người.
Nếu chồng sống với vợ có tánh tình như vậy, dĩ nhiên không thể chỉ dạy được. Họ sẽ tự xây tháp canh chừng nhau ngày một cao hơn, và rồi sẽ bịt tai lại để khỏi nghe gì nữa. Hoặc họ sẽ xa nhau cho đỡ mệt. Lối thoát của họ có thể là làm việc thêm giờ ở sở ngay cả khi không cần thiết, nhậu nhẹt lu bù, bay bướm lả lướt để khỏi nghe những lời nói vũ bảo của vợ, và cuối cùng họ tìm sự ngơi nghĩ nơi văn phòng luật sư.
Sau đây là lời một người có tâm trạng như thế đã viết về bà vợ: “Phài chi nàng làm thầy kiện thì tuyệt cú mèo! Nàng có đủ thừa phát lại kiểm kê khiểm khuyết của tôi, và nàng bắt họ làm việc được 7 ngày một tuần, 24 giờ một ngày!”
Thật là tình trạng dáng thương, phải thế không con? Ba rất lấy làm tiếc rằng trong mỗi làng, mỗi xóm đều có những người như vậy. Vì thế khi nào con thấy mình hơi hướng chiều về đàng ấy, con hãy dừng lại và bắt thừa phát lại kiểm kê trong mình con đi.
Khiêm tốn và thành thật sẽ là một đội quân tảo thanh nếu con để chúng lục soát mọi hang cùng ngõ hẻm trong nội tâm con. Nhưng đội quân tảo thanh này lại có một đường lối hoạt động thật bất tiện. là luôn luôn bắt đầu từ “người số một”, và có khi chẳng chịu bắt đầu nữa. Họa lắm mới chịu đến đóng quân ở “trại số hai”, nhưng đừng đòi hỏi nó phải khởi sự từ đó. Nó chẳng chịu đâu!
“Tâm hồn tôi đã dịu xuống rồi!” Ông bạn của ba đã nói thế. Ba tin tưởng con hiểu và biết xử sự khôn ngoan như thế.
Giá như con có cánh thiên thần, có lẽ con đã sẵn sàng bay lên trời. Và cho dù ai cũng ước mong như vậy, nhưng thực tế chỉ có thể lên trời khi nói và hiểu câu này: “Hỡi hồn ta ơi, ngươi đã đau khổ nhiều và đau khổ trăm bề!”
Từ một khía cạnh trong gia đình con đã thiếu huấn luyện cởi mở tâm hồn và cách đối phó với các khiếm khuyết. Nhưng đàng khác con đã hiểu được rằng muốn được an vui thanh thản không còn có cách nào hơn là khiêm tốn và thành thật.
Đó là vấn đề rất khó khăn tế nhị mà ba phải đề cập nơi đây. Nguyện cho con có tâm hồn quảng đại để tự xét mình con trước về hai điểm khiêm tốn và thành thật.
Chúc chúng con được thật lòng nhu mì với nhau.
Ba.
TÁI BÚT:
Ba vừa nhớ ra một câu nói của một bà vợ: “Tôi đang dự tính trong đầu óc, tôi cần phải kiếm một người chồng mới. Nhưng rồi một ngày kia tôi lại có ý nghĩ rằng: Biết đâu chồng tôi cũng đang cần một người vợ mới!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét