Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

THƯ GỞI KIM LOAN - Bằng chứng thứ nhất (1)






THƯ GỞI KIM LOAN
Nguyên tác : LETTERS TO KAREN
Tác giả : Mục sư  CHARLIE W. SHEDD
Bản Việt ngữ: Hà Hoàng Tâm và Lê Văn Khoa






"…Đây là 25 bức thư mà người cha nào cũng muốn viết, và đứa con gái nào cũng mong được nhận".
HOUSTON POST




"Những bức thư này đầy tình thân mật cha con, đầy lòng tin tưởng đạo hạnh, đầy suy tư về những vấn đề do kinh nghiệm của tác giả đặt ra trong nhiệm vụ hướng dẫn tâm lý những đôi vợ chồng rắc rối và hay gây sự".
PUBLISHER’ WEEKLY

THƯ GỞI KIM LOAN



"Hôn phối…không phải là tìm cho được mẫu người lý tưởng mà chính là trở nên mẫu người lý tưởng đó"
                                                                                              CHARLIE W. SHEDD

CUỐN SÁCH NẦY VIẾT


Để tặng các cậu trai, các cô gái

Để tặng những ai đang làm vợ làm chồng
Để tặng tất cả mọi người.
Trao tặng Vincent (Vĩnh Sơn)
Cậu con rể trẻ tuổi khôn ngoan như đã hiểu rằng, cách thức để được người khác yêu mình hoàn toàn, đó là chính mình hoàn toàn yêu người ta.
CHARLIE W. SHEDD

LỜI GIỚI THIỆU

Chúng tôi muốn viết vài lời giới thiệu cho tập thư gởi Kim Loan. Nhưng thật ra cuốn sách nầy không cần ai giới thiệu. Hai mươi lăm đề tài phong phú về tâm lý hôn nhân, 19 lần in với hơn 600.000 ấn bản đã là một lời giới thiệu hùng hồn.


Tác giả là mục sư Charlie W. Shedd. Một con người tha thiết với việc hướng dẫn tâm lý hôn nhân, trong 20 năm trời đã tiếp xúc với hơn 2.000 đôi vợ chồng. Một người chồng, một người cha đã sống 25 năm những điều ông viết. Đó còn hơn cả lời giới thiệu.

Nhưng chúng tôi vẫn muốn viết lời giới thiệu vì nghĩ rằng độc giả của bản Việt ngữ cần biết thêm cuốn sách nầy rất thích hợp cho xã hội chúng ta đang sống.
Gia đình là nền tảng của xã hội. Nhưng gia đình Việt Nam đang bị giao động rất nhiều trong một xã hội đảo điên. Muốn cải tạo xã hội thì trước hết phải giũ vững nền tảng gia đình. Bây giờ không phải là lúc than thân trách phận, hoặc chỉ trích bới móc, mà phải đưa bàn tay tích cực góp phần kiến tạo gia đình, xây dựng quê hương.
Chính trong ý tưởng đó mà chúng tôi muốn chuyển ngữ “Những bức thư gởi Kim Loan” (Letters to Karen). Đây không hẳn là bản dịch, cho dù chúng tôi theo sát nguyên văn hết sức, nhưng là một cố gắng chuyển ý để trình bày những tư tưởng, những câu chuyện có thể hiểu được trong xã hội Việt Nam chúng ta đang sống. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng cuốn sách nầy sẽ không là những bức thư gởi cho một con người xa lạ, mà chính là những lá thư gởi đến bạn một ánh sao soi đường vậy.
Sài gòn 20-10-1974




Hà Hoàng Tâm
Lê Văn Khoa
  


LỜI TỰA


Đây là những bức thư gởi Kim Loan. Kim Loan là một trong số những con cháu bà Ê-VA trẻ đẹp đang làm cho trái đất nầy thêm duyên. Kim Loan thì lắm chuyện lắm. Trước hết Kim Loan là một đứa con gái hiền hòa, thích sống bình thản. Nhưng khi nào cần tranh đấu, Kim Loan cũng ranh mãnh lắm (Kim Loan có 4 anh). Khi mặc bộ đồ Jean với chiếc áo thun mầu dịu, Kim Loan trông có vẻ quyến rũ như cô gái hàng xóm. Còn khi diện đi dự dạ hội, Kim Loan lại trông thật là bảnh bao lịch sự. Thỉnh thoảng Kim Loan cũng nhí nhảnh lắm. Thế mà Kim Loan lại có một cuộc sống nội tâm thật sâu xa nếu bạn có dịp tiếp xúc với Kim Loan.

Tận tụy, dễ thương, duyên dáng, khéo léo, đầy thiện cảm và khôn ngoan. Đó là Kim Loan.
Tôi là ba của Kim Loan. Tôi biết những gì bạn đang nghĩ. Bạn nghĩ đúng. Có một số những người cha hay thương và binh con mình. Nhưng phải chi bạn biết rõ Kim Loan như tôi bây giờ, thì chắc hẳn bạn sẽ phải nói: “À, thế ra ông chỉ nói hoàn toàn sự thật!”
Vài tháng trước khi kết hôn, Kim Loan bảo tôi viết cho Kim Loan một ít lá thư đặc biệt. Kim Loan nói với tôi trong dáng điệu dễ thương nhứt: “Ba à! Con muốn ba giúp kể cho con nghe cách thức làm cho anh ấy phải yêu con mãi mãi, nghe ba”.
Kim Loan dám đòi hỏi tôi như thế là vì hai lý do. Lý do thứ nhất vì tôi là mục sư. Là mục sư, tôi đã thảo luận về hôn nhân với không biết bao nhiêu là đôi bạn. Tôi đã tiếp xúc riêng hàng giờ với các bà vợ cũng như với các ông chồng.
Ngày nay việc đó là thường, trong xã hội chúng ta đang sống. Nhiều giáo sĩ đã vì nhiệm vụ bắt buộc phải chạm trán với cuộc sống hôn nhân rắc rối của tín đồ.
Có thể làm gì được không?
Thường thì rất ít.Nhứt là khi tâm tư não trạng của họ đã được nhồi sẵn một mớ thành kiến rồi. Họ đến chơi cho vui, cho có, chớ không phải để hỏi ý kiến. Đôi khi một bên muốn dàn xếp thì bên kia lại không muốn.
Đó là lý do tại sao nhiều khi chúng ta chỉ có thể đứng nhìn trong kinh hoàng một gia đình đổ vỡ, chính những nghi kỵ, những tố cáo lẫn nhau, những lời nói cay nghiệt, những thái độ hận thù giận dữ đã làm đổ vỡ gia đình đó.
Nếu muốn, chúng ta hãy cố gắng đưa tay ra nhặt lại những mảnh vụn vỡ. Thật là khó, nhứt là khi đôi vợ chồng có con. Những đứa con cũng sẽ giống như những cái trứng chim đã vỡ khi tổ bị gió thổi bay đi.
Rồi khi mọi sự thành công, chúng ta có được những ngày hạnh phúc. Thường thường đó không phải là công khó của chúng ta. Chúng ta có linh cảm như có sức mầu nhiệm nào đó đến như một hấp lực siêu hình phát xuất từ một nguồn khôn ngoan vượt xa sự khôn ngoan của chúng ta.
Bây giờ chúng ta có thể chứng kiến được một trong những niềm vui của vai trò giáo sĩ. Những người đã cãi nhau giờ đây hôn nhau và làm hòa để “gương vỡ lại lành”.
Đây là bí quyết của vấn đề rắc rối làm cho chúng ta phải ngạc nhiên. Thất bại giúp ta khiêm tốn! Thành công làm ta cố gắng hơn. Vì thế khi có người đi vào cửa phòng tôi, tôi thích hợp với ngư phủ Britain trong lời cầu nguyện dễ thương nầy: “Lạy Chúa, xin Chúa gìn giữ chúng con! Vì đại dương rộng mênh mông, mà chiếc thuyền của chúng con thì quá nhỏ!” Bây giờ chắc bạn đã đồng ý là đứa con gái của tôi hỏi một câu chí lý. Đối với cuộc phấu ngẫu nào cũng vậy, có một số định luật có giá trị. Tuy nhiên mỗi đám cưới cũng tạo nên một kiểu mẫu riêng. Phát triển và diễn tiến theo chiều hướng riêng.
Do đó những lá thư này được gởi đi kèm theo lời nguyện xin cho được giúp ích cho một thiếu nữ và người yêu của nàng
Nhưng phần nhiều chúng ta cần được giúp để tìm hiểu nhiều hơn để hoàn thành định luật tình yêu. Chúng ta cần học thêm ngôn ngữ của hiến dâng.
Xét như thê, tôi hy vọng những là thư này sẽ giúp ích cho nhiều người khác, già cũng như trẻ , choai choai cũng như sồn sồn. Đó là lời cầu chúc chân thành của chúng tôi, khi họ đọc được những dòng chữ này.
Chúng tôi có thể hy vọng nhiều hơn nữa không? Nếu quả thật chúng tôi có thể thành công trong việc xây dựng những gia đình hạnh phúc hơn, chúng tôi cảm thấy hài lòng vì hiểu rằng mình đã góp phần kiến tạo một xã hội lành mạnh.
Như trên tôi đã nói là có hai lý do khiến con gái tôi xin tôi viết thư trả lời những câu nó hỏi. Tôi vừa nói lý do thứ nhất. Nó là một thiếu nữ khôn ngoan. Nó hiểu được tầm mức hiểu biết ít oi của ba nó và nó cũng biết chuyện khác nữa.
Lý do thứ hai là đề tài của lá thư thứ nhất.
Charlie W. Shedd


1.

BẰNG CHỨNG THỨ NHẤT


Kim Loan thân mến của ba,

Bao giờ con cũng tinh khôn, láu lỉnh. Ba thấy con làm gì cũng thành công, đụng chi được nấy.
Người đời thường nói “lời ngọt lọt đến xương”. Lần này thì thật là đúng. Con bắt ba phải trả lời cho con đây. Con khen ba khéo quá mà. Có người cha nào lại không “phồng mũi lên” khi được con khen như thế? Thử tưởng tượng coi. Đứa con gái cưng của ba nè, lấy làm quan trọng phải hỏi ý kiến của ba nó nè!
Thế mà khi ba ngồi vào bàn để bắt đầu viết cho con, ba mới hiểu rõ vấn đề.
Việc con hỏi ý kiến ba thực là một lời khen tuyệt diệu. Nhưng lời khen đó không phải là để dành cho ba. Hai mươi năm qua con đã nhìn thấy bằng chứng thứ nhất cho những lời ba sẽ nói. Bằng chứng thứ nhất này chính là má con. Ba má đã sống với nhau hạnh phúc trong hơn hai mươi năm, nhưng nếu có được hạnh phúc, đó cũng là nhờ má con.
Vì thế bây giờ ba nhận lời con yêu cầu. Nhưng con khôn quá đi. Ba coi việc viết cho con cũng như là một bó hoa để tặng má con.
Con biết rằng ba không giỏi về mọi phương diện. Nhưng con cũng đã biết rằng có một vấn đề mà ba có thừa uy tín. Đó là ba hiểu rằng trong nghệ thuật làm vợ, người ta cảm thấy thật là hạnh phúc khi được người chồng yêu mình tha thiết.
Đó con đã thấy chưa? Được biết về người mình ưng ý nhất thật là lý thú.
Thôi, con đợi thư sau nhé.
Thương con nhiều.
Ba

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét