Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

THƯ GỞI KIM LOAN - Chiếc cầu thông cảm (9)



9.
CHIẾC CẦU THÔNG CẢM

Kim Loan, con cưng của ba.
Đây là những câu hỏi thường gặp trong các văn phòng hướng dẫn tâm lý hôn nhân.
“Bạn nói chuyện có dễ dàng không? Bạn có thể phát biểu cảm tường và thảo luận với người khác không? Có vấn đề nào bạn thấy khó nói mà bạn cứ phải nói loanh quanh không? Bạn làm thế nào để diễn tả những tư tưởng thâm sâu tự đáy lòng bạn cho người khác hiểu?”
Nhiều đôi vợ chồng được ba làm phép giao, đã quả quyết với ba rằng đó là những điểm họ đã đạt được. Nhưng ngược lại cũng có nhiều tiếng than van. Con thử nghe một vài lời: “Bạn biết khi điện thoại reo mà không có ai trả lời, bạn thấy thế nào, thì tôi cũng thấy như vậy trong đời sống lứa đôi.” “Tôi nói thế, nhưng đừng có nói lại với chống tôi nghe!”… “Anh đừng có nói mấy vụ đó cho vợ tôi biết đó nhé!”… “Anh khuyên tôi thảo luận với nhà tôi ư? Chèn đét ơi! Bà ấy như sử Hà đông vậy!” “Không bao giờ chàng mở miệng trả lời, chàng chỉ hầm hầm!”… “Đối với chúng tôi, cưới nhau cũng chỉ như là người xa lạ vậy!”
Ba vừa trình bày trên đây những lời đích thực mà ba đã nghe không biết bao nhiêu lần. Quanh đi quẩn lại thì cũng chừng đó.
Đối với những người yêu nhau thật và biết thực lực của mình, con đoán sẽ như thế nào? Thật ra có nhiều câu trả lời lắm. Vì thế thư nầy ba sẽ bắt đầu nói, và sẽ tiếp tục trong các thư sau nữa. Ba sẽ nhắc nhở con một công cuộc kiến tạo thật quan trọng: Đó là công cuộc kiến tạo CHIẾC CẦU THÔNG CẢM!
Bởi lẽ nền tảng của hôn nhân thành tựu là chung lòng, chung tiếng, nên ba đã bắt đầu bằng 3 điều NÊN và 3 điều KHÔNG NÊN, như là nền móng xây chiếc cầu đó.
1. Nên vui vẻ đón chàng đi làm về.
Một ông chồng đã diễn tả tuyệt vời như sau: “Tôi vừa về đến nhà là nàng đã như ném bùn vào mặt tôi rồi!” Ông tiếp tục giải thích cho biết nàng có thói lạ là để dồn các chuyện xấu xa, xui xẻo trong ngày, rồi đợi đến khi ông về nhà trút ngay tất cả lên đầu ông. Con nên nhớ rằng ông ta nhại thật giống giọng của bà vợ khi nói: “Thằng cu lớn làm bể máng nước của hàng xóm này”… “Chiếc bánh xe sau bên trái của chiếc xe hơi bị xì-lốp này!”… “Sao anh không chịu sửa khóa vòi nước chảy kinh khủng vậy đó!”… “Em nghe nói rằng vợ chồng ông Hoạt sắp li dị rồi!”… và vân vân. Toàn những chi tiết nghe nhức đầu.
Những mẩu chuyện xui xẻo đó đâu có ích gì cho ông lúc đi làm về. Đôi khi có thể có ngoại lệ, còn vợ chồng tâm đầu ý hợp là phải biết để những câu chuyện đó lúc khác mà xét.
À, bây giờ có một hiện tượng hơi kỳ lạ của một số các ông. Cũng chính “hạng” ông chồng vừa kể không ưng cách đối xử như thế của vợ, lại trút gánh nặng của mình ngay lúc vừa về nhà. Có thể là ông đọc được ở đâu đó cái ý tưởng này, chồng là để nghe điều hay, còn vợ là để nghe điều dở.
Nếu khi chúng con sống với nhau mà trong những tháng đầu tiên con thấy chàng có tánh như thế, nếu là ba thì để kệ xác chàng như vậy. Đúng ra như thế là không được đàng hoàng lắm, nhưng con phải tỏ ra đàng hoàng và cư xử như thể con đã từng trải và hiểu rõ vấn đề.
Nếu có thể, con hãy mở nhạc êm dịu cho chàng nghe rồi ngồi bên chàng. Con hãy để cho chàng thổ lộ hết tâm tư.
Nếu con đối xử tế nhị với chàng như thế ngay từ những ngày đầu tiên, con đã dọn sẵn được một đường lối để cho sau này có thể chỉ bảo cho chàng phải biết dẹp những khó chịu gắt gỏng đó đi.
2. Nên dùng thì giờ để cùng nhau gặp riêng.
Trong một tạp chí có vẽ một bức tranh khôi hài: Một bà mẹ đang kể một câu chuyện nhỏ để ru hai đứa con ngủ. Đây là lời chú giải thật buồn: “Con ơi, nghe má này, ba con cao 1m70, tóc đen, râu thưa, da sậm, và mê chơi banh hơn mẹ con mình!”
Thật ra, mỗi người chồng phải có một thứ tiêu khiển riêng, và con cũng thế. Trong một bức thư trước, ba đã bàn về thì giờ dành cho mỗi người sống riêng tư, có thể sẽ làm cho hai người xích lại gần nhau hơn, nhưng trái đất này lại đầy dẫy những cặp vợ chồng chỉ mải mê chuyện gì khác không thôi, chứ không để ý tới những giờ phút bên nhau.
Vì thế, bây giờ con có thể làm gì được không? Thỉnh thoảng một liều thuốc nhẹ lại có kết quả phi thường. Con có thể thêm nhiều hơn nữa vào lối sống của con bằng cách đem ra thực hành điều con đã nghe ba má nói: “Chuyện Chúng Mình”.
Ba chắc rằng con còn nhận thấy hữu ích vì ba má điều đồng ý giữ lời hứa này: “Phải tiết kiệm thì giờ, không kéo dài bữa ăn quá. Phải cho nhau biết những điểm hay trong ngày và thảo luận với nhau. Phải nói ra điều mình thích nhứt. và góp ý trong những vấn đề liên hệ đến hai người!”
Ba biết một đôi hôn nhân hạnh phúc, người chồng và người vợ đều có điều mà họ gọi là “Kế hoạch nho nhỏ”. Họ nói: “Không ngờ kế hoạch nho nhỏ đó đã trở thành một kế hoạch thật lớn hơn bao giờ hết!”
Họ hứa với nhau, khi lên giường đi ngủ, họ sẽ dùng vài phút để hỏi nhau câu này: “Hôm nay, giờ phút nào làm cho mình cảm thấy vui thích nhứt?”
Có đôi vợ chồng khác thì đồng ý mỗi tuần đi ăn tiệm với nhau một lần. Họ dự trù thuê một người giữ em và dành tiền cho bữa ăn nơi tiệm ăn ngon mà họ thích. Lúc đó người ta không để ý đến chuyện của người khác. Họ muốn sống những giờ phút cho chính mình họ để tâm hồn hòa hợp với nhau.
Dĩ nhiên, cũng có những bất thường có thể ngăn cản việc chúng con đã dự định. Nhưng đừng đi quá nhanh, và đừng bận tâm quá, kẻo chúng con sẽ không đọc thấy bảng chỉ đường báo hiệu gần đến chiếc cầu đó rồi. Bảng đó viết: “Dòng thời gian”.
3. Nên tìm hiểu công việc của chàng.
Một buổi tối kia, có một người đến phòng làm việc của ba và đưa cho ba một chi phiếu. Đó là tiền người ta trả bản quyền sáng chế của anh. Chuyện này có ăn nhằm gì người vợ lý tưởng không?
Anh nói: “Bản quyền đã bắt đầu được trả tiền, nhưng thật ra không phải là ý tưởng của tôi. Kiều – Mỹ, vợ tôi, đã nghiên cứu nhiều về công việc của tôi. Nàng đọc thêm sách và đi nghe thuyết trình. Gặp được chuyên viên nào nàng cũng nói chuyện. Rồi một ngày kia nàng nói: Anh An này, với trí thông minh xuất sắc của anh – đó là lời nàng nói đó, ông thấy chưa? – em cá với anh là anh sẽ phát minh được chiếc máy điện tử để phân biệt được những hạt đậu nào tốt, hạt nào xấu, dù đang còn trong vỏ. Chính vì vậy mà tôi đã hình dung được kiểu mẫu sáng chế!”
Rồi anh tiếp tục cho biết thêm nhiều chi tiết về ý tưởng trên. Trong đầu ba tưởng như thế là xong, thế mà anh chàng còn hăng say nói nhiều nữa. Anh khai triển chiếc máy đó.
Thế cũng chưa hết chuyện. Con thử nhận định giá trị của người vợ qua câu nới thêm này của chàng: “Nàng bắt tôi phải hứa với nàng: không bao giờ được nói với ai về xuất xứ ý tưởng đó. Mấy ông chủ của tôi tưởng là tôi khá lắm. Họ để dành riêng cho tôi phòng thí nghiệm để phát minh một vài kiểu mẫu mới, hy vọng kiếm ra tiền. Và ông thử đoán xem ai giúp tôi nhiều nhất? Làm sao tôi có thể nói lời cảm ơn đủ đối với một người phụ nữ như Kiều – Mỹ?”
Rồi chàng đưa cho ba phần đóng góp vào Hội Thánh và xin ba cầu nguyện cho họ. Ba đã cầu nguyện. Ba dâng lời chúc tụng cảm tạ Thượng Đế. Nguyện xin cho họ tiếp tục “hòa hợp” với Đấng Vô Biên, cho những việc trọng đại hơn nữa.
Chắc họ sẽ được! Một phụ nữ như Kiều Mỹ thật là một khám phá đáng giá cho bất cứ người chồng nào. Nhưng thôi, như thế cũng đủ cho điều “nên làm” thứ ba rồi.
Những điều KHÔNG NÊN cũng rất quan trọng để chuyển đạt tư tưởng của con tim thành lời nơi môi miệng. Sau đây là ba điều đáng nhớ.
1. Đừng để những ý thích chung mất đi.
Trước khi thành hôn, hầu như đôi bạn nào cũng có nhiều yếu tố giúp cho họ xích lại gần nhau. Thế mà những yếu tố đó lại chết lần chết mòn do nhiều nguyên cớ khác nhau. Tại sao vậy?
Một trong những nguyên cớ chính là khi người này muốn nói lấn át người kia. Họ cứ nói thao thao bất tuyệt, hết một là, hai là, ba là lại đến trước hết, rồi sau là… Như thế cuộc đối thoại đã trở thành độc thoại.
Nhiều người mắc phải lầm lỗi đó. Ta thường yêu thích giọng nói của ta, mà quên rằng giọng nói của ta đối với ta thì nghe kêu sang sảng như tiếng chuông, nhưng lại nghe như tiếng quạ kêu đối với người khác. Họ cũng đang chờ, đang đợi đến lượt được nói.
Những bà vợ tế nhị mà ba quen biết điều có nhiều cách thế rất khôn ngoan về điểm này: a) – họ biết dùng nhiều cách để nhường lời cho chồng nói trước! b) – khi họ nhìn thấy có dấu báo hiệu chồng muốn nói, họ sẵn sàng nhường lời ngay! c) – họ tìm hiểu cách nhận ra khi nào chồng muốn nói, như cau mày, môi mấp máy, nhăn mặt, nhún vai, hoặc một cử chỉ nào đặt biệt của chồng.
Dĩ nhiên chàng cũng phải cố gắng hết sức để chú ý tới những cảm nghĩ của con. Ba hy vọng chàng cũng sẽ khôn khéo điểm này như chàng mong đợi nơi con. Nhưng nếu con luyện cho mình thính tai hơn, con sẽ dễ nhận ra những bước đi của chàng trên chiếc cầu thông cảm này.
Nếu con thực hiện đúng được điều đó, những ý thích chung mà chúng con thấy thật là quan trọng và có ý nghĩa lúc đầu, sẽ tăng tiến thêm với thời gian. Lần lần những lợi thú đó sẽ trở thành những thân cây cứng để cho những lời nói thông cảm của chúng con quấn vào. Như thế là chiếc cầu thông cảm của chúng con càng trở nên vững chắc hấp dẫn hơn.
2. Không nên làm cho chàng có cảm tưởng con giỏi hơn chàng.
Trong đời sống hôn nhân, ghen loại nào cũng nguy hiểm, và ganh vì giỏi hơn là loại bỉ ổi nhất. Nếu chàng biết những gì con không biết, như thế là con đã khám phá được một kỳ công. Con phải khiêm tốn mà nói với chàng: “Em phục anh thông minh ghê vậy đó! Anh chỉ bảo cho em đi!”
Rồi cũng có những vấn đề mà con sẽ giỏi hơn chàng. Về điểm này con phải cố gắng hết sức. Đừng vội khoe khoang. Con phải học kỹ thuật mà ba má gọi là “Hạ thấp then cài xuống”.
Con còn nhớ không? Khi con và Phan Linh còn bé tí, ba má thường gài cửa thật thấp để chúng con có thể với tới. Như thế là đỡ tốn công phí sức cho tụi con. Sở dĩ ba má làm thế là nhờ có một người khách cao niên đến nhà thấy khó chịu vì tụi con đập ầm ầm để kêu mở cửa. Nhờ ông ấy đề nghị mà tụi con sống thoải mái hơn, và ba má cũng đỡ bước ra bước vô mở cửa cho tụi con.
Con đã thấy nhiều người thật nổi danh đã cố gắng sống hòa mình với những người tầm thường khác. Đối với chúng con cũng vậy. Mỗi người chúng con phải biết làm chủ được mình trong nghệ thuật hạ thấp xuống để truyền đạt những gì mình biết và lãnh hội những gì mình chưa biết.
Những người vợ khôn ngoan luôn nhớ điều này: chàng sẽ hãnh diện nhiều về những nhận xét của vợ nếu nàng không bao giờ tự kể công khi khen chàng.
3. Không nên quên “yên lặng” khi cần
Thật ra điều này cũng chỉ là tóm lại những gì ba đã nói về những đều KHÔNG NÊN, phải thế không con? Thế mà có lẽ ba còn phải nói đi nói lại nhiều nữa. Sở dĩ như thế là vì lý do trong khi hướng dẫn tâm lý hôn nhân, ba đã thấy không biết bao nhiêu bà vợ chuyên môn nói huyên thuyên.
Ba tạm gọi những người này là: “Những cái máy nói”. Là người thì ai cũng thích nói. Thường tình là thế. Mình ngồi ở mỏm ghế và cứ đợi mãi để đến lượt mình nói. Và có những lần chẳng đợi được. Người khác chưa kịp ngừng để thở lấy lần chẳng đợi được. Người khác chưa kịp ngừng để thở lấy hơi, thì mình đã chụp lấy cơ hội mà nói cảm nghĩ của mình. Bởi lẽ ba không phải là đàn bà nên ba không thể nói con sẽ cảm thấy thế nào trong trường hợp đó. Nhưng ba để ý quan sát thấy đàn ông như ba, ít ai lại tiếp chuyện với những mụ đàn bà chuyên môn ngắt lời như thế.
Một nhóm khác có thể đặt tên là nhóm hỏi vặt.
Cũng một con người có lúc thích chen môi góp miệng nói với đời, có lúc muốn kiếm một giây phút thảnh thơi để thả hồn theo gió. Trong con người của mình, ai cũng có những khoảng trống riêng tư để buộc chặt tâm trí vào đó, và không dễ gì tháo gở ra được. Một số vấn đề khác cần phải nghiên cứu riêng trước khi phát ngôn thành lời nói.
Ba viết lá thư đầu bằng ý tưởng này: Không phải vì cưới nhau mà người ta biết nhau hoàn toàn. Tư tưởng đó đáng được nhắc lại luôn.
Chính giờ phút này đây con có quyền biết một vài chuyện về chàng. Chàng cũng thế. Còn những chuyện khác thì chỉ khi nào đi qua cầu con mới biết rõ ràng được.
Do đó, biết chờ đợi mới là biết yêu thật.
Ba còn có thể viết nhiều nữa. Nhưng thôi, có tiếng trống gọi rồi! Tiếng trống đang vang lên ý tưởng chủ đề: Con đường lên trời có những khúc phải lê gót mà đi.
Đó là cách thức con phải thực hành khi con phát triển nghệ thuật thông cảm với nhau.
Nếu con thực hiện được thật hay, một ngày kia con sẽ run lên vì vui sướng. Đó là khi tới giây phút trọng đại, giây phút chúng con thông hiệp trong yên lặng. Thật là những giây phút thần tiên! Không cần một lời nói! Chúng con có thể đi xa hàng trăm cây số, ngồi bên nhau hàng giờ, để tâm hồn hòa tan trong nhau bằng cuộc đàm thoại không lời. Không thể cho thêm lời nói vào được. Chúng con có được nội tâm yêu tĩnh và tâm hồn bình an.
Sau đây là một lời nguyện ba thường cố gắng dâng lên Chúa trước khi giảng hoặc thuyết trình. Lời nguyện này ba học được của một giáo sư khôn ngoan, người biết nhận ra giá trị của những chuyện nói bằng lời và những chuyện nói không nên lời. Ba tin chúng con cũng thích học thuộc để dùng trong đời chúng con! Lời nguyện đó là:
Lạy CHÚA, xin cho miệng con nói những lời đáng nói, và xin bảo con thôi khi con đã nói đủ rồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét