Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

THƯ GỞI KIM LOAN - Đấng cao trọng hơn hai con (25)



25. ĐẤNG CAO TRỌNG HƠN HAI CON
Kim Loan, con yêu quí của ba,
“Anh là hoàng tử của lòng em!” “Em tôn thờ anh!”
“Em là thiên thần, là tiên nữ giáng trần!”
“Tình mình vui như thiên đàng, đẹp tựa trăng sáng!”
Đó là những lời tình cảm ướt át êm tai người yêu.
Ba mong con hãy tìm hiểu rõ ý nghĩa những lời đó.
Tự trọng là một đức tính tốt, và hai con người biết tôn trọng lẫn nhau lại càng tốt hơn nữa. Nhưng nó có thể rất là bệnh hoạn nếu nó không phải là một phần trong sự kính trọng cao cả bao quát hơn.
Con còn nhớ đã học môn khoa học, biết rằng mặt trời là trung tâm để giữ cho tất cả thái dương hệ khỏi tách rời ra. Thế giới nầy và vạn vật trong đó, kể cả con và Vĩnh Sơn, đã không có, nếu như không có một hấp lực thu hút tất cả lại với nhau.
Vấn đề hôn nhân cũng như vậy. Có thể là một người sinh ở Đông, một người sinh ở Tây, hoặc ở cùng khu phố, nhưng điều quan trọng hơn cả là họ có được hút vào trung tâm điểm bằng một tình yêu thánh khiết mạnh hơn tình yêu của họ chăng?
Đây là trọng tâm vấn đề, vì một sự thật không thể tránh. Tất cả chúng ta đều là người, dù ai đó có “thần thánh” cách mấy chăng nữa, cũng vẫn chung một số phận con người.
Theo như trạng thái phát triển con người hiện đại, quy định mẫu người “homo sapiens” có một khuynh hướng bẩm sinh ngả về tánh ích kỷ.
Dù đó là vi trùng amib trong nước bùn, hay tạo vật đầu tiên có chân, hoặc con vượn đu đưa trên cây hay một vật, cổ có lông bờm xờm và khúc gỗ trên tay, hoặc bất cứ một ai đáng bị chê trách – sự thật vẫn là đa số chúng ta chưa tiến hóa xa hơn để khỏi bị chi phối bởi bản năng tự tồn.
“Coi chừng người số một đấy” “Tôi cần những gì tôi cần khi tôi cần!” “Tôi trước hết, thứ nhì cũng tôi, mà thứ ba cũng tôi luôn”. Những lời ma quái nầy đang chờ sẵn trong bất kỳ cuộc hôn phối nào khi những lời hát trữ tình đã tàn lặng rồi.
Con có thể hứa rằng con sẽ nghĩ tới bạn con trước hết, con sẽ cố gắng nhìn cuộc đời qua ánh mắt của chàng, con sẽ dịu dàng, tử tế, ngọt ngào suốt cả ngày. Nhưng coi chừng kẻo giống như ba của con, trong vòng 30 phút là lời hứa cao quý đó đã biến tan mất, nó chỉ còn là mớ lý thuyết thật đẹp, bị một lô những sự thật phũ phàng đè bẹp.
Làm thế nào thoát tình trạng nan giải nầy?
Ba đã học được cách trả lời ngay trong nhà ta, và đã thấy câu trả lời đó không biết bao nhiêu lần trong văn phòng với những người khác. Chính đó là đề tài lá thư nầy.
Đây là chìa khóa cuối cùng mở ra tất cả các khóa cửa tình yêu trọn vẹn hoàn hảo.
Cặp vợ chồng nào hiểu rằng họ hiệp nhứt là vì một Đấng cao trọng hơn họ, đã khám phá ra được chiếc cổng huyền diệu đưa vào lâu đài hạnh phúc hôn nhân.
Bây giờ thử tìm hiểu làm cách nào chúng con có thể hướng dẫn cuộc đời tới bến bờ hạnh phúc nầy.
Mới đây ba nghe một vị mục sư giảng thuyết trên đài phát thanh, nêu ra những con số đáng lưu ý. Vị đó cho biết cứ 4 đám cưới ở Hoa kỳ thì có một vụ ly dị. Vị đó cũng cho biết rằng những gia đình siêng năng đi nhà thờ đều đều, thì cứ 54 gia đình mới có một gia đình tan vỡ. Ông cũng quả quyết thêm rằng những gia đình biết cầu nguyện chung với nhau thì tỷ lệ tan vỡ xuống, chỉ còn 1 trên 500.
Mục sư không biết đã lấy con số đó ở đâu, nhưng sau khi nghe, ba đã thử phân tích kinh nghiệm riêng của ba.
Những ghi nhận của ba như sau. Trong 20 năm qua, ba đã hướng dẫn phỏng chừng hai ngàn đôi vợ chồng đến hỏi ý kiến ba về vấn đề hôn nhân. Đó là kể chung việc cầu vấn riêng rẽ của vợ chồng hoặc chung cả vợ chồng. Có những vấn đề thật tầm thường cũng như có những vấn đề thật rắc rối.
Con nghe đây! Chưa bao giờ ba gặp một đôi hoặc một người vợ hay một người chồng đến với ba mà có rắc rối nếu họ đã biết cùng nhau cầu nguyện. Có lẽ có chừng mười người đã nói: “Trước kia chúng tôi đã từng cầu nguyện với nhau…”
Đó là lời chứng của ba. Có một trường hợp phải vào bệnh viện. Một trường hợp khác phải ra tòa. Nhưng theo kinh nghiệm riêng của ba, tuyệt nhiên không có một trường hợp nào tan vỡ vô phương cứu chữa nếu họ còn biết chắp tay lại mà đặt trong bàn tay nhân lành của Thượng Đế qua lời cầu nguyện.
Ba ghi lại cho những bậc thang đưa con vào đời cầu nguyện. Ba đã khuyên nhủ hàng trăm đôi vợ chồng như vầy:
Phải đồng ý để dành mỗi ngày một ít thì giờ để cùng nhau hướng nhìn về Thượng Đế
Phải chọn lựa một cuốn sách đạo đức để hướng dẫn giúp chúng con. Trong các tiệm sách có thiếu gì loại sách nầy, và mỗi nhà thờ thường có đặt nơi kệ sách riêng.
Khi đến giờ đã định, chúng con cùng nhau ngồi yên lặng rồi một người đọc một đoạn sách thuộc linh chỉ định hôm ấy.
Chúng con nói với nhau ý tưởng nào chúng con muốn cầu nguyện. Nếu Vĩnh Sơn muốn dùng một đề tài trong công việc của chàng, chàng có thể lợi dụng lúc này để nói lên điều đó. Biết đâu con sẽ thú nhận rằng sáng nay chàng đã làm con đau khổ mà con không thể tỏ bày được cùng ai được. Con có thể xin chàng giải thích thêm, nếu con muốn, nhưng nhớ đừng có tự biện minh hay bắt bẻ điều gì. Chúng con phải trình bày cho nhau những tâm tư đang mang trong lòng.
Rồi chúng con nắm tay nhau, cúi đầu và yên lặng cầu nguyện với Thượng Đế như chúng con hiểu Ngài. Có lẽ tốt nhất là chúng con không nên bắt đầu cầu nguyện thành tiếng trước. Nếu như không thực hành thường xuyên, có thể sẽ ngượng ngập khó chịu lúc đầu nhưng đừng nản lòng. Cứ kiên nhẫn thử một vài lần sẽ thành công.
Nếu chúng con cảm thấy rằng chúng con đã quá quen rồi, chúng con hãy cùng nhau đọc “bài cầu nguyện chung” (kính lạy cha).
Nếu chúng con cứ phát triền nghệ thuật cầu nguyện này, sẽ đến lúc chúng con cầu nguyện trong thinh lặng mà lắng nghe. Dần dần, chúng con sẽ biết nhìn xa hơn để hiểu rằng cầu nguyện không phải chỉ là để xin Thượng Đế ban cho những ơn chúng con cần, nhưng đúng ra là đề biết Ngài cần gì nơi chúng con.
Chúng con cũng sẽ bắt đầu hiểu được rằng cầu nguyện không phải là tìm kiếm, van xin hoặc than vãn. Nhưng chính là mở rộng cõi lòng trước Thượng Đế đang gõ cửa lòng mình. Mở rộng cửa lòng như thế, dù là các cánh cửa ý thức hay tiềm thức, cũng là lời cầu nguyện tốt nhất. Con sẽ khám phá một sự thật trọng đại này là chính Thượng Đế đến với con, trước khi con đến với Ngài. Thượng Đế luôn luôn đi tìm những cuộc đời sẵn sàng tự hiến để làm vinh danh Ngài qua tình yêu.
Học được cách cùng nhau cầu nguyện, đòi hỏi một thời gian, cũng như bất cứ những gì hay trong hôn nhân đều phải có thời gian mới có. Nhưng như thế cũng đáng giá lắm chớ, phải không con? Thượng Đế là tình yêu, và cả hai con đều tin Ngài là tác giả phối hiệp chúng con. Do đó chúng con càng kiến tạo chiếc ống thông đạt để tình yêu của Ngài chảy vào tình yêu xác phàm của con, thì tình yêu của chúng con càng sung mãn.
Thật quan trọng để chúng con học cách thực hành cầu nguyện với nhau. Nếu như một người tiến, còn một người dừng lại thật là nguy hiểm. Hôn phối không phải là để tăng thêm khoảng cách giữa hai người, nhưng là hiệp nhất hai con người khác biệt để họ sống thông hiệp chung quanh một trung tâm thánh khiết, là sức sống đáng phải sống của họ.
Ba nói đây không phải chỉ là lý thuyết suông. Nhiều lần ba đã nhìn thấy có những đôi hôn phối dường như bị tuyệt vọng, thế mà rồi lại tiến lên được một đời sống mới nhờ biết cùng nhau cầu nguyện trong trầm lặng.
Ba cũng muốn nói với khinh nghiệm cá nhân. Khi má con bước lên Cung Thánh, cầm lấy tay ba rồi nghe vị chủ sự đọc những lời: “Anh chị em thân mến, chúng ta họp nhau nơi đây để liên kết người nam và nữ nầy trong tình yêu thánh khiết!” , đối với má con đó thật là một công trình vĩ đại.
Chẳng bao lâu má con đã khám phá ra trong con người thằng con trai này, nàng phải hòa hợp quá nhiều bản ngã hiếu chiến hiếu thắng. Thế mà nàng phải thuần hóa cái anh chàng thô lỗ, nhút nhát, quê mùa nầy nên với một bản tính nội tâm điềm tĩnh, tế nhị và hiền dịu êm ái của nàng.
Nhưng bây giờ thì má con biết má con đã hành động ra sao, phải thế không con? Ba đã để ý thấy mỗi sáng sớm, nàng ngồi đó với quyển Kinh thánh và một ít sách khác. Nàng gọi đó là khoảnh khắc trầm lặng riêng tư của nàng. Và ba đã hiểu rằng chính tâm hồn bình thản của nàng đã trả lời cho những giao động xáo trộn của ba.
Rồi một ngày kia trong cơn chán nản, ba xin má con dìu dắt ba “ đến mé nước bình tịnh” Má con dìu ba vào mối cầu nguyện của nàng. Và bây giờ ba hiểu đó là chìa khóa cái để mở ra mọi ổ khóa.
Hôm nay, sau 26 năm thành hôn, ba vẫn con rung động thật sự trước mặt má con. Khi trong đám đông, thình lình ba nhìn thấy má con, ba nghe như thấy má con, ba như nghe thấy một hát vui nhỏ xướng lên rộn ràng trong tim ba. Khi nhìn thấy ánh mắt của má con nơi công cộng, ba có cảm tưởng như chính má con đang trao cho ba lời cảm khái cần thiết để nói lúc ấy. Mỗi tối khi ba về nhà, ba muốn đi thật mau, rảo bước để về nhà, nơi má con đợi ba. Khi bất thần má con từ đâu chạy đến không biết, rồi hôn ba một nụ hôn thánh thiện và trong vòng tay khoát trên người ba, ba coi giây phút đó trọng đại nhứt trong ngày. Và khi nhìn xuống con đường trước mặt, ba thấy một cụ ông đang sánh vai với một cụ bà, tay trong tay vào lúc hoàng hôn, ba nghĩ trong lòng rằng phần kết thúc sẽ đẹp đẽ rực rỡ hơn phần mở đầu rất nhiều.
Ba không cầu mong gì hơn cho Vĩnh Sơn là được vợ chàng có thể hướng dẫn chàng, như má của con đã hướng dẫn ba, hướng dẫn tới nơi huyền diệu hiệp thông với Thượng Đế , là nơi hai cuộc đời của vợ chồng được hòa hợp với Thượng Đế thành cuộc đời tay ba thánh thiện.
Ba nghe có nhiều nhà xã-hội-học chủ trương rằng muốn tránh cho gia đình khỏi đổ vỗ, chỉ có cách là cấm ly dị. Dĩ nhiên việc đó có đỡ đôi chút, nhưng giải pháp đích thực không phải cấm ly dị, mà là sống đúng ý nghĩa và giá trị của hôn phối . Giá trị đích thực của đời sống hôn nhân đó là tình yêu thánh thiện giữa Thượng Đế, con và chồng con muôn thuở đến muôn đời.
Ba cầu nguyện nhiều cho con.
Ba của con

THƯ GỞI KIM LOAN - Khi bị kẹt cứng (24)



24.
KHI BỊ KẸT CỨNG

Kim Loan, con cưng của ba,
Không phải trong một phút mà ba có thể nói cho con hiểu và tin được rằng cứ vợ hiền là có được chồng ngoan đâu. Sự thật không đơn giản như thế.
Thường thường gieo chi gặt nấy! Nhưng cũng có những tâm hồn gieo thật nhiều mà chẳng gặt được tí nào. Cũng có những người vợ thật hiền ngoan lại gặp phải những ông chồng ngày càng vũ phu bỉ ổi. Nàng hiến cho chàng tất cả, đề chàng tước đoạt hết mà không cho nàng một mảy may gì.
Không có gì đáng thương đáng buồn hơn là một người vợ đã đặt hết tâm hồn vào hôn nhân để rồi phải tan nát trái tim với những giấc mộng hão huyền.
Người ta thường nói cuộc đời chỉ có một phần mười là do con người làm nên, còn chín phần kia, người ta phải chấp nhận. Câu nói trên thật hay, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Ba đã gặp một số những người đàn bà vẫn tự nhận mình là con cưng của Thượng Đế, sống tới 90 phần trăm, hoặc ngay cả 99 phần trăm cho chồng mà rồi công dã tràng hoàn toàn.
Dĩ nhiên con và Vĩnh Sơn đâu có thế. Ba má biết cuộc thành hôn của chúng con sẽ thành công rực rỡ.
Tuy thế, ba vẫn muốn viết lá thư này, để xin chúng con đối xử thật tế nhị tốt đẹp, đặc biệt với những người không được may mắn như thế. Họ cần một bàn tay mềm mại êm ái của con nâng đỡ. Họ cần một người biết lắng tai nghe họ thổ lộ tâm sự. Họ cần một người bạn chân thành biết san sẻ nước mắt với họ. Vì thế hể khi nào chung quanh con có người như thế, con hãy mau mau mở rộng tâm hồn con để đón họ với tất cả thương cảm mà Thượng Đế đã ban cho con. Con cũng cần thêm lời cầu nguyện cho họ được một ngày mai sáng tươi tốt đẹp hơn những chuỗi ngày đổ vỡ đã qua.
Càng mở rộng tâm hồn để đón nhận những người không có được cuộc đời tươi đẹp như con, con càng được hạnh phúc.
Con hãy đánh vần chữ sau đây nó thật quan trọng: THƯƠNG CẢM!
Chúc con có tâm hồn biết thông cảm và trái tim biết rung động.
Ba.

THƯ GỞI KIM LOAN - Nên nhìn ra một chút (23)



23.
NÊN NHÌN RA MỘT CHÚT

Kim Loan, con cưng của ba,
Yêu nhau đích thực không phải ngồi nhìn chòng chọc vào mắt nhau. Trong lá thư trước, ba đã nói về vấn đề đối phó bên trong đúng lúc và đúng cách. Nhưng nhìn nhau âu yếm không phải là mục đích độc nhất của hôn nhân.
Do đó ba muốn nói với con hãy mở cửa sổ nhà con thật to để nhìn ra ngoài một chút, câu đây ba mới nghe một người bạn phân tâm học trình bày thật hay về bệnh tâm trí. Có một điều cần được nhắc lại, ông nói với ba rằng ông đã khuyên một bệnh nhân như sau: “Xin bạn mở cửa cho tánh ích kỷ thoát ra. Vì như thế không phải chỉ để ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào mà còn để cho đôi mắt của bạn có dịp nhìn ra ngoài. Nhìn trẻ con chơi. Để ý đến người láng giềng làm vườn. Theo dõi người đi dạo phố. Đếm xe cộ qua lại. Đó là cách chữa trị tốt nhất. Từ lâu này bạn đã quên rằng còn có nhiều người khác trên thế giới chớ không phải chỉ có một mình bạn!”
Ông bạn phân tâm này đã nói đến một vài việc chính của việc hướng dẫn tâm lý. Như ba đã nói, có nhiều đôi vợ chồng nhìn quá ít vào người bạn trăm năm của mình. Phần lớn tự nhìn vào mình thôi. Thế nhưng, như bác sĩ phân tâm vừa nói, phương thuốc chữa trị những người đó chỉ là vấn đề cùng nhau nhìn ra.
Sau đây là một vài chỗ mà phương thức này cần được ứng dụng.
Trước hết là “bạn bè”
Con và Vĩnh Sơn đang là những người bạn đường với nhau. Điều này thật tốt. Thế mà ba đã nhận thấy có những tình nghĩa vợ chồng chỉ quanh quẩn “ta với mình” chớ không đi xa hơn được. Ba hy vọng con sẽ tìm cách quý mến cả những người sống chung quanh nhà con nữa. Nhưng cũng đừng để những người láng giềng quý mến con quá làm cho con hết muốn chia vui xẻ buồn với bạn bè.
Những nhà nào ích kỷ luôn kín cổng cao tường, thật ra chỉ như là một nhà nuôi trẻ trong đó có hai trẻ tự mãn với nhau.
Do đó con nên có bạn bè để san sẻ tình thương của con cho người khác, vì vậy mà tình thương đã được ban cho con. Tánh ích kỷ dù dưới hình thức nào cũng đều có tội. Nếu con không chịu biểu lộ tình yêu Thượng Đế đã phú ban cho con, thì phải kể con vào nhóm người tội lỗi, hơn là đáng được chúc phước.
Quảng đời vừa qua của con đã cho ba hiểu con sẽ biết chọn bạn tử tế đàng hoàng. Khi lập gia đình rồi, có những tình bạn sẽ giúp con mở rộng thêm kiến thức, có những tình bạn khác để vui cười, và có những người bạn thân như cây tỏa bóng mát cho con nương nhờ.
Cũng có những tình bạn nguy hiểm làm cho con mất lần ý nghĩa thánh thiện của hôn nhân nếu con không tinh ý đề phòng ảnh hưởng của họ. Đây là tình bạn của người hay hùa, ai làm gì cũng làm theo, không phân biệt tốt xấu. Họ là nhóm người chỉ muốn lôi kéo con xuống dốc sa đọa luân lý thời đại, nếu con không kháng cự lại. Với các nhóm người “ba phải” này, người ta rất dễ buông thả. Thật ra phải can đảm lắm mới dám đứng lên mà sống khác người.
Con không phải là một người kì cục, và ba cũng chắc chắn rằng hai chúng con không phải là những con người kỳ cục muốn khinh thường nền đạo hạnh. Nhưng thật là khác một trời một vực giữa thái độ nhúm núm và lòng tốt đích thực phát sinh từ nội tâm sâu xa. Có cả khi lòng cương nghị của một đôi vợ chồng có thể tạo nên hạnh phúc cho những người khác đang cần họ như người lãnh đạo. Cũng có trường hợp phương thức giải quyết duy nhất là “vĩnh biệt”. Dù con đứng vững một mình hay lôi kéo những bạn bè chờ đợi một người nào để xướng sáng kiến trước, điều đó không quan trọng gì. Vấn đề đối với chúng con ở đây là thường xuyên nhắc bảo nhau chúng con sống đề cải tạo thế giới chớ không để thế giới cải tạo chúng con.
Một hướng đi ra cần phải để ý nữa, đó là đối với họ hàng anh chị em đôi bên.
Ước chi đối với họ hàng con cứ xử sự tốt đẹp như những năm qua, và có thể hơn nữa. Nhưng cũng có người làm ngược lại. Nhiều người gõ cửa văn phòng của ba để xin giúp về vấn đề này.
Phần nhiều những rắc rối này phát sinh khi người vợ hay người chồng cứ luôn luôn “xông hương” tâng bốc bên ngoại bên nội của mình “Ba anh thế này…” “Má em… thế kia cơ”. Một số người khác nuôi lòng tức giận ngậm đắng nuốt cay vì họ đã bị đối xử tệ bạc.
Ba cầu chúc cho chúng con thoát khỏi số mạng khắc khe đó! Nhưng rủi có bị, chúng con phải nhớ một điều. Hễ khi nào mà con có ý muốn dẹp họ hàng của con hay của chồng con sang một bên, con hãy nhớ lại đi – có những người con giữ im lặng là vàng.
Dù vấn đề cảm tình như thế nào chăng nữa, con cũng nên thỉnh thoảng hướng về gia đình của hai bên. Nếu có tình trạng khó xử trong vấn đề họ hàng, thì đó chính là vì con cứ đứng ở xa chớ không chịu xích lại gần. Con hãy tin ba đi, con sẽ không bao giờ được bình an ngay cả trong đáy tâm hồn con, nếu con không chịu tạo một bầu hòa khí với anh chị em dâu rể, ông bà nhạc, chú, bác, cô, dì, cậu, mợ, cháu chắt, và cả một chi tộc nữa! Con có thể thành công nếu trong cách xử sự dầu cho con chỉ tạo được sự an vui duy nhất trong tâm hồn con.
Một cái nhìn ra nữa đó là công tác xã hội.
Không có một cộng đồng nào để con tự do hoạt động, không có một bãi đất trống nào để con tự ý xây căn nhà của con, mà không lọt vào vùng đất đau khổ bất hạnh.
Nhiều đôi vợ chồng chấp nhận những bộ mặt méo xệch của người nghèo đói và bị bỏ rơi như là một hình ảnh của xã hội. Có một số khác nhìn với đôi mắt khinh bỉ và cảm thấy xấu hổ. Họ trở về tự mãn với chính mình với cảm tưởng rằng họ làm như thế là phải.
Một số những nhà “yêu nước bằng mồm” trở thành người chỉ thích ngồi ghế dựa. Họ thường dùng chiêu bài “chính quyền phải lo” hoặc “những người đó phải tự liệu trước đã”. Nhưng lời của họ chỉ là để che đậy hành động thiếu sót tắc trách của họ.
Có những người quan niệm thánh thiện đạo đức sai lầm bằng cách họ chỉ vào phòng đóng cửa cầu nguyện cho những người xấu số. Cầu nguyện là tốt lắm, nhưng chưa đủ, phải có sự đóng góp của cá nhân con nữa chứ. Thượng Đế sẽ không bao giờ nhận lời ta cầu nguyện nếu ta không chịu đứng lên chống trả sự dữ, đi ra khỏi nhà để mở đường, xẻ núi lấp sông, và làm tất cả những gì mình có thể, ngõ hầu mở rộng cánh tay nhân hậu bất cứ nơi nào cần đến.
Nếu con lãnh nhận một công tác đáng kể như là một thách đố cho con, chắc con sẽ phải ngã lòng rồi đó. Nhiều khi con sẽ cảm thấy cần kêu lên: “Sự cố gắng của chúng mình thật quá bé đối với nỗi khó dường ấy, nào có thấm gì!” Tuy thế, nếu con cứ cố gắng một chút, con sẽ khám phá được một nguồn phát sinh an vui thoải mái khác. Đó niềm vui của những người không bao giờ hài lòng về vai trò đóng góp của mình trong trận chiến chống lại nghèo đói, bệnh tật và đau khổ.
Người ta kể lại rằng ông William Allen White,một chủ bút thời danh, đã nói: “Tôi muốn khuyên nhủ các hội viên bảo vệ cây cối là phải bớt thì giờ trồng hoa, để giúp ích người khác. Vì một số người cứ tưởng mình mở mang Nước Trời mà thật sự là chỉ tạo nên hỏa ngục mà thôi.
Nhưng biết đâu con lại thích a dua theo “phe nhóm”. Hoặc con cảm thấy có sự thúc dục từ thâm tâm bảo con phải chống lại tệ đoan của xã hội. Và trước khi nghĩ đến tiện nghi và an toàn cá nhân, con phải nói lên thái độ đó cho dù con có bị hiểu lầm. “Có cứng mới đứng đầu gió!” Nhiều công việc vĩ đại đã thành công không phải vì tập thể a dua mà chỉ vì dám có người một mình xướng xuất lên.
Con cũng cần nhớ mà coi chừng kẻo vì hăng hái “làm việc lành” quá mà con bỏ rơi những nhiệm vụ căn bản đầu tiên của chính con. Đừng có thái độ “ăn cơm nhà, vác ngà voi”. Có lẽ con thích nghe câu chuyện một ông chồng đã tức đến nỗi phải ném bà vợ đến “huỵch” một cái xuống đất. Tối đó nàng đi họp đại hội chính trị về thật khuya, ngồi phịch xuống ghế quăng giày dép vào gầm giường, rồi tuyên bố: “Anh Hiền ơi, dậy mà nghe! Chúng em sẽ lật đổ chính phủ”. Thật tội nghiệp cho ông Hiền. Tối nay đã phải rửa chén đĩa, ru mấy đứa con ngủ, đi đổ rác, và vừa kịp đặt mình xuống giường thì nghe nàng tuyên bố như vậy. Thế là ông nổi cơn đùng đùng! Ông quát: “Nghe hay lắm đó! Sao em không khởi sự bằng việc nhà?”
Thỉnh thoảng con cũng cần để ý xem có khi con ham mê làm việc thiện mà lại mắc phải những nguyên do sai lầm. Có những người chỉ thích thổi phồng câu chuyện cho có vẻ lâm li bi đát. Như thế đâu có được. Thế giới này chỉ cần những tiếng loa vang sống động kêu gọi sống công bình bác ái hơn trong xã hội thôi. Những người chỉ thích khua chuông gõ mõ như thế có khi làm được một vài việc hay đó, nhưng trong khi đó rất có thể họ đã phá hoại những công trình người khác xây dựng.
Ngay trong Hội Thánh, đôi khi cũng thấy có những anh chị em “thiện chí” chạy lui chạy tới, nhăn mũi nhăn mặt như xác tín rằng họ có sứ mạng giúp anh em bơ vơ lạc lõng được ơn cứu rỗi. Một dấu hiệu cho con biết nhận định đúng các công tác xã hội, đó là con hãy nhớ rằng không ai đòi hỏi con phải làm đẹp toàn thể vũ trụ.
Con đã hiểu sứ mạng của con. Nhưng con nên tránh hai thái cực này. Một là độc quyền hành động, chỉ có mình mới làm được, còn người khác không ra gì. Hai là đóng cửa lòng lại, không muốn đáp ứng lời mời gọi lên đường phục vụ xã hội.
Chủ thuyết “sống chết mặc bay” không xứng đáng không thích hợp với người có tài năng như chúng con. Thái độ trung lập vô can đúng ra là một danh từ ngụy biện và nguy hiểm hơn là một thái độ sống thật. Thái độ đó thật là tai hại cho dân tộc. Nếu như ai cũng giữ thái độ trung lập vô can, thì rồi ai cũng chỉ lo cho mình hoặc dửng dưng với mọi chuyện. Đó là dấu hiệu ngày tàn sắp đến rồi. Dấu hiệu rõ rệt của suy đồi là tự nhận mình tốt chỉ vì mình không chịu làm điều xấu.
Vì thế nếu con muốn được hạnh phúc trong hôn nhân, đôi khi con phải biết nhìn ra, đi ra, nói ra. Nhưng trong tất cả, con phải luôn để ý tới nguyên do thúc đẩy con hành động.
Con yêu của ba.
Dĩ nhiên con hiểu nguyên nhân do chính yếu thúc đẩy con hành động chính là nguyên lý giúp con sống. Trong một lá thư sau, ba sẽ nói thêm về chuyện con sống ở dưới đất này, hoặc sống trong vòng tay nhau, không phải chỉ để phục vụ riêng một mình chúng con mà thôi đâu.
Khi một đôi vợ chồng đối diện được với chân lý này: “Trên đời còn có một chuyện quan trọng hơn hạnh phúc của chúng mình”, khi đó họ đã bắt đầu thực hiện được một lý tưởng cuộc đời của họ.
Ba hy vọng con sẽ biết cảm khái niềm vui sướng khi đã tạo được cho người khác sống cuộc đời tốt đẹp hơn là khi con mới tìm gặp.
Chúc con có tâm hồn cao thượng.
Ba,

THƯ GỞI KIM LOAN - Lúc sóng gió (22)



22.
LÚC SÓNG GIÓ

Kim Loan con yêu dấu,
Có một lần ba vào thăm một gia đình kia. Ba thấy trong nhà có một bức trướng người ta mừng gia đình. Trên bức trướng đó có thêu những chữ ý nghĩa đại khái như sau: “Hoàng hôn chỉ chỉ đẹp khi bầu trời vừa đủ mây!”
Tư tưởng trên thật đẹp, phải thế không con? Nhưng lý do ba đến thăm gia đình đó là vì những cơn mây đen đã xuống thấp quá! Cảnh hoàn hôn đẹp đã tan loảng mất rồi, bão táp đang đe dọa, và bầu trời mỗi lúc một đen tối hơn. Những ngậm ngùi cay đắng, giận dữ đang làm cho cuộc sống nghẹt thở!
Thực trạng đó càng trở nên phũ phàng trớ trêu hơn với lời thêu thật đẹp trên bức trướng. Khi ba nhìn lại một lần nữa, ba chỉ muốn úp bức trướng quay mặt vào tường. Nhưng rồi ba vẫn đứng đó. Ba hy vọng ánh mặt trời sẽ ló dạng trở lại. Bấy giờ những lời kia có ý nghĩa, mới nói lên được tâm tình gói ghém bên trong. Tuy thế bây giờ đây những trái tim đó vẫn còn đang khóc thầm và tâm hồn như chùng xuống thật thấp.
Con dư hiểu rằng ba má cũng như biết bao cha mẹ khác, đều cầu chúc cho con và Vĩnh Sơn một đời an vui hạnh phúc. Ba má luôn ước nguyện cho chúng con được “ như chim liền cánh, như cây liền cành !”
Nhưng rồi cuộc sống không phải luôn luôn tốt đẹp như ta tưởng. Đối với phần đông, cơn sóng gió sẽ đến bằng cách này hay cách khác, đó là một bộ mặt thật của cuộc sống. Chỉ có một số ít mới được may mắn thoát khỏi những cơn sóng gió đó. Còn đại đa số người ta sẽ gặp những rắc rối, bịnh hoạn, khốn đốn, chết chóc và khổ đau
Khi đó con phải hành động ra sao? Sau đây ba gởi cho con một vài tư tưởng ABC trong vấn đề.
A. Bình tĩnh đối phó với thực trạng này, con cũng có lúc bị sóng gió phũ phàng.
Ba không có mảy may ý định đe dọa con, nhưng thật sự con nên biết điều nầy : ba đã gặp nhiều đôi vợ chồng thật là điên cuồng và mù quáng, họ cứ tưởng rằng họ yêu nhau thật tha thiết say đắm là không bao giờ họ có thể gặp phải cơn sóng gió. Họ hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng lễ cưới đã như một thứ phù phép đủ đảm bảo cuộc sống đễ thở cho hai người.
Ba tin rằng chúng con đã đủ trưởng thành trong vấn đề, vì chúng con đã cùng nhau đọc những lời nầy : “Chúng con tìm kiếm hạnh phúc hôn nhân với tất cả tâm hồn chúng con, nhưng chúng con không hy vọng về được miền đất hứa mà không trải qua vùng đất khô hạn với nhau”
B. Thượng Đế không hứa cho môn đệ khỏi bị thử thách.
Đó là điều suy diễn từ tư tưởng trên. Thượng Đế chỉ hứa Ngài sẽ ở với ta khi có sóng gió bão táp. Ba vui mừng vì con đã hiểu giá trị của đức tin sống động đích thực.
Ba sẽ còn có dịp nói nhiều hơn về vấn đề này. Nhưng nhiều người không cần gì hơn là họ phải hiểu được cách làm thế nào để luôn sống thân mật với Thượng Đế trong mọi hoàn cảnh. Vì họ cứ tưởng rằng “ đạo đức cao thâm” là đi nhà thờ ngày chủ nhật v…v… Khi rời khỏi nhà thờ mà về nhà, dường như họ muốn vẫy tay nói với Thượng Đế: “ Hẹn Ngài lần sau nhé! Cũng ở đây! Cũng vào giờ này!”
Một người bạn phân tâm học của ba mới đưa một người mắc bệnh bối rối tới gặp ba. Khi đưa bệnh nhân tới, ông nói một câu nhận định thật hay “ Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đánh tan được mọi rắc rối trong tâm trí người này. Ông ta chuyên đi nhà thờ, và tôi hy vọng anh sẽ giúp được ông ấy. Điều ông ta cần bây giờ là có một người có thể giúp ông ta tìm ra được câu trả lời ở vào chỗ thấp hơn hai gang tay. Ông ta đã có câu trả lời ở trong đầu óc rồi. Giờ đây ông ta cần có nó ở trong lòng”
Tạ ơn Thượng Đế, vấn đề của con không phải như thế. Tim đèn của con đã đặt sâu vào chén dầu của Thượng Đế. Con vẫn sống thân tình với Thượng Đế từ lâu rồi. Và con cũng biết cách cầu nguyện nữa. Con dư hiểu rằng có cơn sóng gió không có nghĩa là Thượng Đế bỏ con mà đi đâu mất dạng. Cơn sóng gió có nghĩa là Ngài muốn huấn luyện con trở nên cao cường hơn nếu con để Ngài hành động.
C. Hãy cùng nhau quyết định: Tình lắm sóng gió, yêu thương càng gắn bó.
Đây là yếu tố thứ ba làm cho những nhận xét của ba thật đúng về diễn tiến của các đôi hôn phối mà ba đã tìm hiểu cặn kẽ từ bên trong. Những cơn sóng gió thay vì làm tan vỡ hạnh phúc của chúng con, phải làm cho chúng con càng gắn bó với nhau hơn. Sống chết có nhau mà!
Có lẽ ba nên kể một câu chuyện vui cho sáng tỏ vấn đề này. Đây là một câu chuyện ba nghe một người chăn cừu ở miền Colorado. Ông nói: Khi có đàn chó sói dữ hoặc đàn cáo già tới phá phách, ông để ý thấy cách thế ngựa rừng và lừa rừng chống trả lại, rất khác nhau. Theo như ông cho biết, trong trường hợp bị tấn công, những con ngựa rừng sẽ châu đầu lại với nhau, đuôi quay ra ngoài, và cứ thế lấy chân sau đá kẻ thù. Thế nhưng theo lời ông nói, những con lừa rừng thì quay đầu ra phía địch, giấu đuôi vào phía trong và lấy chân sau đá kẻ thù (nhưng thật ra là đá nhau).
Ba không hiểu ông ấy nói dỡn hay thật. Dù sao thì câu chuyện cũng có một ngụ ý sâu xa, phải thế không con?
Ba nghĩ rằng đây là một bài học đặc biệt dành riêng cho những người đã có lứa đôi. Ba lấy làm tiếc mà cho con biết rằng đa số các đôi bạn đến văn phòng của ba làm ba nhớ đến những con lừa rừng. Họ đá nhau, đá người bạn đời, họ “đá” luôn cả cuộc hôn nhân của họ.
Tình trạng đó thật là quá tệ. Những đôi vợ chồng đó chưa biết học xử dụng những điều ABC phải đối phó trong cơn sóng gió. Thật đáng buồn thay!
Sau đây là những lời tín thác đối với một hôn nhân hạnh phúc:
“Tại sao cuộc sống lại có sóng gió? Ta không biết. Nhưng ta biết đó là một thực trạng. Ta không cần quan tâm đến những gì xảy đến, nhưng phải rất quan tâm đến những gì ta phải hành động với những chuyện xảy đến. Một ngày kia mặt trời sẽ ló dạng và ta sẽ tốt đẹp hơn, cao trọng hơn.
Thượng Đế không bao giờ đi vắng. Không có gì có thể làm cho ta xa cách nhau và xa Ngài”.
Chúc con can đảm.
Ba.

THƯ GỞI KIM LOAN - Hương vị thơm ngon (21)



21.
HƯƠNG VỊ THƠM NGON

Kim Loan, con thân mến.
Con có tin không ? Ba nói sự thật đây. Những điều ba nói về nghệ thuật nấu ăn không phải là của ba đâu. Trong vấn đề bếp núc nấu ăn, chưa bao giờ có ai hỏi đến, nên ba ít để ý.
Mỗi khi má con phải đi nhà thương sanh mấy đứa con sau, ba làm bếp khá lắm. Nhưng cái “khá lắm” của ba cũng hơi buồn một chút, và ba vẫn còn nghe thấy mấy đứa anh con nói: “Ba ơi, tối nay cho chúng con đi ra quán ăn thêm kẻo đói, ba nhé!”.
Vì trong nhà mình đã có sẵn một bà hoàng nấu bếp là má con đó, nên ba xin má con giúp một tay.
Rồi một ngày kia má con đã đưa cho ba xem những điều mà ba cho thật là hay. Sau đây là sách tập đánh vần làm bếp của má con, để cho món ăn có hương vị thơm ngon ngọt ngào và những bữa ăn tuyệt diệu. Thỉnh thoảng ba viết thêm một vài chữ vào chỗ nầy chỗ kia mà thôi.
A. Ánh sáng màu
Phải biết tinh ý chọn các món ăn cho đẹp mắt. Xếp đặt các màu sắc hòa hợp với nhau để bữa ăn vừa ngon vừa đẹp.
Ă. Ăn có nhai mới nói có nghĩ
Ăn uống phải có chừng mực. Đừng vội vàng hấp tấp. Phải có giờ giấc ăn uống cho đàng hoàng.
Â. Ân huệ Thương Đế
Cảm tạ Thượng Đế trong bữa ăn.
Coi chừng ba nói là ở “trong” bữa ăn. Khi ba còn nhỏ, ba thường nói: ai ăn mà không chịu dâng lời cảm tạ Thượng Đế trước khi ăn thì thật không đáng ăn. Nhưng con cũng biết nếu cả gia đình cứ chờ cho đầy đủ tất cả mới dâng lời cảm tạ Thượng Đế thì có những món ăn sẽ nguội mất ngon đi. Vì thế ba luôn luôn dâng lời cảm tạ Thượng Đế hoặc trong bữa ăn hoặc sau đó. Ba má thích như vậy và ba có cảm tưởng là Thượng Đế cũng rất thích như vậy trong gia đình ta nữa.
B. Buộc bụng !
Khi mới cưới và còn đi học, ba má mới hiểu được rằng có cả trăm cách thức để dọn một bữa ăn. Đi chợ có thể là vừa thể thao vừa giải trí, nhưng con phải biết trả giá và phải biết chọn lựa mà mua, để vừa được rẻ vừa được ngon, và nhứt là hợp với túi tiền của con.
C. Cần giúp chàng ăn sáng
Đặc biệt đối với những cô dâu mới cưới và những bà mẹ đã có con, cần phải thức dậy sớm để giúp cho chàng dễ khoan khoái hơn, khi chàng thức dậy ăn sáng và đi làm.
D. Dạ yến
Con biết gia đình ông bà Bá thật là hạnh phúc. Ông bà cho biết thỉnh thoảng họ tổ chức một bữa ăn cho con cái đi chơi, hoặc cho sang ăn nhà ông bà nội, ngoại, để họ làm một bữa” dạ yến” với nhau trong nhà. Họ trang phục chỉnh tề, để nhạc êm dịu, thắp nến mà ăn cho thêm thân mật ấm cúng.
Đ. Đặc biệt những ngày kỷ niệm
Ba má thường coi ngày 29 mỗi tháng là một ngày đặc biệt, vì ba má cưới nhau vào ngày 29 tháng 5. Con còn nhớ bữa tiệc thịnh soạn vừa qua. Ba nóng lòng chờ bữa ăn kỳ tới quá !
E. E rằng con lầm
Con tưởng bây giờ con bận, còn mai mốt sẽ tha hồ mà rảnh rỗi đi chơi à. E rằng con lầm mất thôi. Đó chỉ là ảo tưởng. Mai mốt con cũng sẽ bận. Do đó con cần tính toán để dành sẵn tiền để thỉnh thoảng đi chơi với nhau.
Ê. Ê mặt
Đàn bà hay có tánh đi la cà nhà này nhà khác để vui vẻ giải trí. Nhưng con hãy nhớ cho kỹ đừng bao giờ, đừng bao giờ, ba nhắc lại lần nữa, đừng bao giờ la cà vào lúc sắp đến bữa ăn, kẻo chồng về thì thật là ê mặt.
G. Giàu tưởng tượng
Con phải làm sao để ăn xong rồi mà chàng vẫn còn thèm ăn nữa. Chàng ăn một miếng thì phải tưởng tượng đến miếng khác ngon hơn. Giàu tưởng tượng là một đặc ân của Đức Chúa Trời.

H. Hoan lạc
Khi học về kinh tế gia đình, ba được người ta dạy cho biết vấn đề tiêu hóa và tâm tính có liên hệ mật thiết với nhau. Một nhà bịnh học, bạn của ba thường trưng ra những câu như “Thôi no rồi!” “Làm sau mà nuốt hết mấy thứ này!”, “Thôi, đừng mời nữa!” để chứng minh lời ấy ông quả quyết, phần nhiều bệnh ung loét bao tử phát sinh do tâm tính hơn là do thức ăn. Bởi vậy mỗi khi ăn phải biết vui vẻ với nhau.
I. Ít nhất
Trong khi còn theo đuổi nhau có miếng ăn nào cô cậu cũng chia cho nhau. Vậy đây chính là lúc ba nghĩ rằng phải coi người vợ như ba hoàng trong gia đình. Muốn ăn gì cũng nên hỏi và khen bà một tiếng như để được vợ chỉ dẫn và thưởng thức công khó của bà.
K. Khi ăn xong, nên thong thả.
Một lần kia ba đưa con đi chơi và đêm đó không về nhà. Ba đi thuyết trình theo ước hẹn trước. Hôm sau trở về nhà ba đã học được một bài mà không thể quên nổi. Ba đoán khi đó con khoản 10 hay 11 tuổi gì đó. Từ xa hàng mấy chục cây số, đã có những tấm bản chỉ cho biết sắp tới thắng cảnh chiếc giếng xâu nhất thế giới ở tỉnh Kansas. Nhưng ba không thể dừng lại coi được vì phải đi mau kẻo lỡ hẹn ăn tiệc với người ta. Đi được một lúc thì con nói: “Ba à, con thấy tiếc cho ba quá! Ba chạy nhanh quá nên chẳng có thì giờ để ngắm cảnh nữa!” Ngay lúc ấy ba đã quyết định đi chậm lại và chính con làm cho mọi người được thích thú vì ý đó. Do đó khi nào ăn xong, cũng nên thong thả ngồi lại ít phút để nói chuyện, để đợi người khác ăn xong đừng vội bỏ đi.
L. Lịch sự
Phải biết lịch sự: “Tương kính như tân”. Cư xử với nhau như lúc mới quen nhau. Một vài lời nói lịch sự như: Xin mời, cảm ơn, làm ơn v.v… Sẽ làm cho bữa ăn vui vẻ và ngon lành hơn.
M. Món ăn thay đổi
Lo thay đổi món ăn bổ dưỡng cho cơ thể tùy sức khỏe và nhu cầu.
N. Ngon miệng
Con phải học để nấu những món chàng thích khẩu và dọn đầy đủ những món chàng ăn.
O. Óc tổ chức
Dự trù tiền chợ cho cả tháng, vừa tiết kiệm được thì giờ, sức lực vừa đỡ bực tức, đỡ khó chịu, khỏi đâu đầu vì tốn tiền!
P. Phương pháp mới
Phải học thêm cách nấu ăn. Phải cảm tạ Thượng Đế vì còn có nhiều cách nấu ăn ngon, lạ, mới mà con chưa biết.

Q. Quán xuyến bàn ăn
Cần sắp xếp khăn bàn, tiêu, muối, gia vị, chén đũa đầy đủ và vừa tầm tay mọi người. Nếu có bình hoa cho bàn ăn đẹp thêm thì càng hay.
R.Rủ bạn bè
Nên để chàng thỉnh thoảng đưa bạn bè về nhà dùng cơm chung. Trẻ con cũng vậy thật thích mời bạn bè chúng thỉnh thoảng về nhà chơi. Dĩ nhiên con phải biết huấn luyện chúng đừng để chúng qua mặt cha mẹ chúng, hoặc coi thường con trong việc tự ý và bất thần mời bạn đến, hoặc đến trễ mà không báo trước. Đối với chàng cũng vậy. Chàng cần phải báo trước chớ đừng đưa “của nợ” về bất thần. Một người bạn của ba có cách để “chỉnh” những ông chồng hay đãng trí đó. Bà nói mỗi khi bà nghe phong phanh như vậy, bà chỉ dọn mấy món đồ hộp thôi, nhưng làm thật lâu. Rồi ăn xong, ông khách “thiên lôi” nào cũng phải khen ngon, vì đói mà!
S. Sau khi ăn, mới nên coi ti-vi v.v…
Nếu muốn vừa ăn cơm vừa coi ti-vi, nghe radio, đọc báo v…v… thì tất cả gia đình phải đồng ý, như nhà ta thường vậy đó. Có một lần ba và anh Phi con không bao giờ quên được, đó là khi tụi con chơi làm vua công kênh. Thế mà rồi có một đứa không đồng ý. Thế là hết! Đâu có chơi được nữa. Ba không còn nhớ lỗi về phần ai nữa. Đây cũng là một chuyện thật hay mà Thượng Đế ban cho con cái Ngài. Thời gian qua đi, Ngài làm cho họ không còn nhớ lỗi của ai.

T. Thử ăn món mới
Đôi khi dọn một bữa đặc biệt để cho chàng ăn ngon hơn. Hoặc nhờ một chị em bạn đến nấu thay đổi món để thí nghiệm. Đôi khi ăn thử món ăn mới cũng vui đáo để.
U. Uyển chuyển linh động
Phải thay đổi món ăn luôn. Đừng có ngày nào cũng “canh chua cá kho” mãi! Đôi khi cũng là liều lĩnh mà thử món mới, và như thế mới vui.
Ư. Ướm hỏi
Săn đón chàng, ướm hỏi chàng thích gì khi đi làm về, khi ngồi vào bàn ăn, khi chàng có vấn đề thắc mắc, khi chàng cần được yêu. Đó là nghệ thuật làm vợ.
V. Và với gắp
Có người thích. Có người không thích những phần ăn đặc biệt. Có người thích gắp giùm người khác. Dù sao thì đó cũng là dấu chứng tỏ thân mật và lịch sự. Nhưng cũng không nên đi quá.
X. Xin đừng quên
Ăn mặc cho đàng hoàng, chải chuốt cho tử tế, sửa soạn mặt mũi cho dễ coi. Đó là những điểm con phải để ý.
Y. Yêu trọn vẹn.
Một người bạn của ba thường nói: “Rượu ngon không có bạn hiền không ngon”. Con phải tìm hiểu để yêu thích công việc bếp núc của con và coi đó như biểu lộ tình yêu trọn vẹn từ đáy lòng con.
Kim Loan con,
Con hãy yêu chàng, hãy biết yêu chàng thật nhiều, biểu lộ qua công việc nhà bếp của con. Lần đi chơi ở Long Hải vừa rồi, ba dừng lại vào một quán cà phê nhỏ. Ở ngay trước cửa có viết câu này: “Nội tâm bạn cần hướng thượng hơn nữa”. Đó là mục đích cao đẹp dành cho một người nội trợ, phải thế không con?
Chúc con được hạnh phúc hôn nhân.
Ba.

THƯ GỞI KIM LOAN - Tề gia nội trợ (20)



20.
TỀ GIA NỘI TRỢ

Kim Loan, con thân mến,
Ngạn ngữ Anh có câu:
“Chỉ cần một giờ mỗi ngày đủ để biết một người vợ đảm đang hay không!”
Công việc của ba không phải là tề gia nội trợ, nên ba không thể nói nhiều về ý nghĩa câu nói trên.
Nhưng ba đã đi thăm nhiều gia đình, và ba đã quan sát được nhiều chuyện. Giờ đây ba chỉ viết ra những gì đang có trong đầu óc ba cách khiêm nhường về điểm này.
1. Người tề gia nội trợ phải có óc tổ chức công việc phân minh.
Ba má vẫn nhắc ông từ giữ nhà thờ phải quét các phòng này trong ngày thứ hai, quét khu kia ngày thứ ba, và nhất là phải lau thật sạch cung thánh ngày trước để sửa soạn lễ Chúa nhật. Câu ngạn ngữ Anh thật đúng hết sức với ý nghĩa “phải có óc tổ chức trong mọi công việc”
2. Người tề gia nội trợ luôn tự hào về nhà cửa của mình.
Trong vấn đề này có hai thái cực và đúng nhất là “trung dung chi đạo”. Nhiều bà vợ đã gây đổ vỡ cho họ, dù đang có nhà lầu xe hơi. Không phải tất cả những đổ vỡ của phái nữ đều ở trong những nhà lầu. Như có lần ba đã nói, nhiều người chồng cảm thấy chán chường vì vợ có tính hay tỉ mĩ kỹ lưỡng từng li từng tí quá sức. Ba đã từng chứng kiến những gia đình đáng lẽ ra thật tốt đẹp thế mà phải tan nát vì những người vợ chỉ đòi toàn hảo mà thôi.
Tốt hơn hết là người vợ biết giữ trật tự trong mọi sự, vật nào vào chỗ nấy. Hôm trước có lần ba vào thăm một gia đình. Ba phải khuân đi một đống quần áo sắp ủi, báo chí, bao tay, áo lót phụ nữ, giày vớ, và cả lồng chim vẹt, mới có được một chỗ ngồi. Ở nhà quê, có nơi ba cũng nhận thấy rằng người ta có thể trồng cây trong góc nhà nữa! Lớp bụi đất quá dầy mà!
Có một vài thứ mà phải biết khéo pha khéo trộn mới thành hình được. Ba đoán việc tề gia nội trợ cũng giống như vậy, cần phải biết tự hào một chút-nhưng đừng quá trớn! Cũng như cuộc sống cần phải bình thường – nhưng cũng đừng quá tầm thường.
3. Người tề gia nội trợ phải biết vui với bổn phận.
Phải rồi, đúng là phải biết vui với bổn phận. Nhiều người chồng không quan niệm nổi tại sao lại vui được với việc tề gia nội trợ. Dĩ nhiên đôi lúc họ cũng có nhìn thấy bà mẹ vui như thế đó. Nhưng đa số đàn ông như ba thì khó mà vui được với những việc như quét nhà, giặt quần áo, lau bàn ghế, thay tã lót, ủi quần áo, quét dọn phòng tắm, và cứ thế còn hàng lô việc không tên khác nữa!.
Đây là một lý do làm cho ba vui thật quá vui, vì Thượng Đế đã sanh ra ba là đàn ông. Nhưng cũng có những bà vợ lại như yêu thích những công việc trên. Họ lấy làm khoái chí và còn đùa giỡn với những công việc đó nữa.
Như ba đã nói ở đầu lá thư, đây không phải là địa hạt của ba, nên tốt nhất là thoát ra sớm lúc nào hay lúc đó. Trước khi ba dứt lời, ba muốn chuyển cho con một câu châm ngôn ba ưa thích. Ba luôn để ở dưới tấm kính trên bàn viết:
“Chỉ có những chiếc giầy của người làm việc mới in được dấu vết trên dòng thời gian!”
Chúc con vui với bổn phận tề gia nội trợ
Ba.

THƯ GỞI KIM LOAN - Chỉ cần những gì phải cần (19)



19.
CHỈ CẦN NHỮNG GÌ PHẢI CẦN

Kim Loan con cưng của ba,
“Hãy tận dụng những gì con có. Đừng đụng đến những gì con chưa có!”
Đó là lời châu ngọc của cụ bà Davidson.
Ba vẫn gọi bà ta là “cây khôn ngoan ngọt ngào”. Bà là sinh viên đầu tiên lớp mục vụ của ba. Bà có vừa con vừa cháu nội, ngoại cả thảy 27 đứa. Cứ mỗi chủ nhật, đến bữa ăn tối là tất cả ngồi chung với nhau, chật cả phòng.
Khi ba má mới hứa hôn, ba quan sát để học hỏi. Trong khi mọi người ngồi ăn bay cả núi thịt gà chiên, và xin bà cho ăn vòng nhì món kem làm nhà, ba nghĩ trong bụng rằng họ sống hạnh phúc quá. Những đôi vợ chồng hạnh phúc này có được những điều mà ba má mong muốn. Họ rất linh hoạt với nhau và rất an hòa với mọi người.
Ba thường dừng lại thăm bà vào cuối tuần. Có lần ba xin bà dạy ba những gì bà đã dạy tụi cháu “thò lò” của bà. Bà biết ba sắp mang “gông vào cổ” nên bà “mở miệng giảng dạy lời khôn ngoan!”
Trong số những lời bà khuyên bảo, ba chuyển cho con một lời thật ngắn mà ba đã nghe nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần: “Hãy tận dụng những gì con có. Đừng đụng vào những gì con chưa có”.
Thật không phải tình cờ mà con cháu bà sống với nhau đoàn kết chặt chẽ như vậy. Tụi chúng đã nhập tâm những lời đáng ghi nhớ của bà, và dấu chỉ rõ nhất chứng tỏ chúng thương yêu nhau, đó là biết chung vui với niềm vui, và từ chối những điều phải từ chối. Điều này nhiều đôi vợ chồng hay quên lắm.
Có hai thực trạng con có thể áp dụng để yêu chàng hơn qua câu nói của bà Davidson. Thực trạng thứ nhất thích hợp đặc biệt đối với lỗ tai của đàn bà. Thực trạng thứ hai, con và Vĩnh Sơn có thể cùng nhau thực hiện.
1. Hãy quy vinh Thượng Đế, và thường khen chàng với những lời: “Em cảm ơn mình”, “Anh hay lắm”, “Em phục anh ghê đi!”
Trong mấy lá thư trước, ba có nói qua về vấn đề này. Nhưng khi thấy ba cứ nhắc đi nhắc lại một vấn đề, chắc con cũng hiểu là phải có một lý do. Đó là vì ba đã gặp quá nhiều trường hợp như vậy khiến ba cứ phải nhắc lại. Trong nhiệm vụ hướng dẫn tâm lý hôn nhân, ba đã tiếp xúc với quá nhiều bà vợ cứ tưởng rằng họ có thể “xỏ mũi” chồng và kéo đến thành công bằng những “lịnh bà xã” hoặc những kiểu “hờn mát” khéo léo.
Ai cũng hiểu rằng có nhiều người đàn ông lờ đờ, và tính lười biếng của họ có ảnh hưởng thật bất lợi cho gia đình. Nhưng ở đây ba không muốn xét tới vấn đề đó. Ba đang muốn nghĩ đến hàng lô những ông chồng hăng say đang cố gắng hết mình mà vẫn chưa làm vừa lòng người vợ hạch sách đủ điều ở nhà.
Sau đây là một vài nhận định của những ông chồng đáng thương đó, để chứng minh điều ba vừa nói. Nhận định thứ nhất là do chính kinh nghiệm bản thân của ba.
Một lần kia, ba đang ở phòng riêng làm việc thì nghe một ông chồng nói một cách tuyệt vọng về trường hợp thê thảm như sau: “Chán quá rồi. Nói ra thật tủi hổ nhưng nhất định phải nói cho được. Cái gì nó cũng cho là nó đúng hết, nhưng nào nó có hiểu gì đâu! Tôi tuyệt vọng rồi. Tôi muốn bỏ luôn cả lũ con để khỏi bị nó “xỏ mũi” mãi!
Nhận định thứ hai là do ba đọc sách. Người ta kể rằng: Thi sĩ Heine của Đức, sống đầu thế kỷ 19 đã ước nếu phải nhắm mắt chết trước vợ, ông cầu mong cho bà được tái giá để ít ra có một người trên thế gian này hối tiếc vì ông đã qua đời.
Con hãy đọc lại câu trích thứ nhất một lần nữa và khóc đi! Rồi đọc lại nhận định thứ hai một lần nữa và mỉm cười! Nhưng nhớ kỹ đừng bao giờ mỉm cười khinh bỉ như nhiều bà vợ vẫn thường làm như thế đối với những công việc của chồng.
Nếu có gì cần phải thay đổi, chúng con phải khôn ngoan mà cùng hội ý, thảo luận thành thật với nhau trong tình yêu. Phải biết vừa nói vừa khen chàng đã cố gắng hết mình, và phải làm sao để chàng hiểu mỗi lời của con nói là một lời nâng chàng lên chớ không phải để dìm chàng xuống.
Lời cảm tạ và lòng biết ơn là những việc con phải tuyệt đối thực hiện cho được vì một lý do nữa mà có lẽ con chưa hiểu. Đó là đôi khi người đàn ông nào cũng có thể có một tư tưởng chán nản kinh hoàng lẻn vào trong tâm trí. Nếu như chàng cưới vợ xong là phải làm việc, chàng có thể cảm thấy như bị mắc bẫy, nhất là khi chàng không hứng chí được. Trước kia chàng được tự do, còn bây giờ chàng phải làm việc tận lực vì vợ, vì con, vì hàng trăm hàng ngàn chuyện bất thường trong gia đình, cái gì cũng bám vào những đồng tiền mồ hôi nước mắt của chàng. Và tệ nhất là có thể chàng dám coi vợ chàng như là một thứ tầm gửi ăn bám vào sức chàng. Khi đó mà nàng còn ngồi bắt chân chữ ngũ đọc sách, còn nghe nhạc thời trang, còn xem kịch truyền hình còn uống trà đấu láo với mấy cô bạn, để chàng quần quật một mình làm việc như tôi mọi nơi công trường thì thật là một thảm trạng
Cũng may, đó chỉ là những nhận định mau qua và có khi chỉ là vô tình. Khi chàng trở lại vấn đề, biết đâu chàng lại chẳng nghĩ thành hôn với con là cả một đời người chớ đâu có phải hơi một chút là bỏ nhau.
Liều thuốc chữa trị tất cả những chuyện đó chính là những lời nói êm ái, thái độ biết ơn thành thật và thể xác thân mật ấm cúng. Cũng còn một liều thuốc an thần nữa là tư tưởng sau đây: Để chàng được tự do quyết định về những khoảng chi tiêu!
Biết đâu chàng đang cần dùng một món tiền. Nhiều khi chàng chỉ muốn quyết định ngân sách thôi. Những khi đó con hãy biết kề vai chàng mà tỏ ra cảm phục chàng khôn ngoan, rồi sẽ góp được ý kiến như con muốn. Cũng có những ông chồng “bán trời không văn tự”, nhưng đó chỉ là rất hiếm. Nhất là trong những năm mới cưới, chàng muốn chứng tỏ chủ quyền bằng việc duyệt xét ngân sách đó! Nếu con biết khen chàng và chấp nhận ý kiến của chàng, biết đâu rồi sẽ có một ngày chàng sẽ nói như ba đã nói với má con: “Cưng ơi em chịu khó lo việc tài chính nhé! Anh còn phải để giờ lo nhiều việc quan trọng khác!”
2. Chỉ cần những gì thật cần.
Có một kế toán viên đã ngồi tính sổ cho biết một gia đình trung bình bây giờ có chừng 1.158 dịp mua sắm mỗi ngày. Ba không hiểu ông này kiếm làm sao ra con số đó. Nhưng như con biết thử ngồi nhẩm một chút, con cũng thấy tất cả những tiếng tĩnh từ, trạng từ đều được huy động để vận chuyển những bánh xe quảng cáo và thương mại.
Mở máy thu thanh, đọc báo, coi tivi, xem tạp san, đâu đâu cũng thấy những tiếng “Sơn Đông mãi võ”: Mại vô! Mại vô!… Mời bà con mua ngay; mời cô bác mua đi! Mua mau kẻo mất dịp may hiếm có!… Những người sành điệu đều dùng nhãn hiệu của chúng tôi… Quí ông quí bà là người lịch sự hào hoa nếu quí vị biết… Nơi lịch sự nhất thủ đô. Đẹp nhất thủ đô. Trong gia đình, ba, ma, anh, chị, em đều dùng… Vừa rẻ vừa đẹp!…” Tất cả chỉ là để đập vào mắt con! Và nếu như không có gì đập vào mắt, thì ít ra người ta cũng đã được một việc. Con đã phải đọc!
Nếu con không đề phòng cẩn thận, con sẽ bị người ta lợi dụng. Người ta có một cách làm mất niềm vui ngay từ nơi con. Mánh khóe của họ là cho con đi tàu bay giấy! Lỡ bước lên rồi thì khó mà xuống lắm. Họ sẽ cố gắng làm cho con tin rằng những gì họ làm cho con là tốt nhất, chớ con có làm cũng không bằng. Với tất cả nghệ thuật quảng cáo, họ làm cho con dán mắt dán mũi vào những tủ hàng: màu vải mới, kiểu áo mới, kiểu kính mới, và đủ mọi thứ, cái gì cũng mới hết, cũng đáng mua.
Rồi người ta còn cho mua chịu (thiếu) để dùng thử, hoặc cho mua trả góp nữa. Và khi đã sa vào bẫy của người bán hàng, lại có những người sẵn sàng cho con vay tiền để trả giùm nữa!
Khi ba má cưới nhau rồi nhưng vẫn còn đi học, ba má cũng phải vay mượn chỗ này chỗ khác một ít! Nhưng rồi cứ đến cuối tháng cộng sổ trả nợ, lần nào cũng thấy trội hơn tháng trước một chút!
Con hãy khôn ngoan, tránh đừng có vay mượn của ai. Nếu việc bất đắc dĩ phải vay mượn, thì phải tìm những nơi tử tế đàng hoàng. Nếu con không cẩn thận về vấn đề này, con có thể đã vô tình vì một vài lầm lẫn mà phải lãnh tất cả trách nhiệm. Mất của rồi mất cả người.
Có người nói thế này:
Nếu ngân hàng không cho vay,
Đừng sắm gì cả để sau sẽ hay,
Vì nếu họ không được lợi,
Chắc chắn bạn chẳng thu được gì hay.
Ba thường gặp những người kém trí đó, họ ham thích “món hàng” mà họ bị quá khích động. Rồi họ cuống quít vơ cho được “thứ” đó mà giá trị chân thật của cuộc sống đã vuột khỏi tay họ.
Do đó chỉ cần những gì con thật cần! Đừng có để cho những lời “mua đi! Mại vô!” làm cho con mất lần mất mòn niềm vui hiện tại. Con có gì, con phải tận dụng hết sức còn những gì chưa có, con đừng để ý đến nhiều.
Chúc con khéo xử dụng đồng tiền
Ba.